Tối 2/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai đã thông báo về tình hình triển khai công tác phòng chống dịch, trong đó nhấn mạnh thời gian gần đây, trên mạng internet xuất hiện những thông tin sai lệch, gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong dư luận.
Số F0 về từ vùng dịch chiếm hơn 80% tổng ca mắc của tỉnh
Theo đó, đối với chủ trương đón công dân tỉnh Gia Lai từ vùng dịch trở về địa phương, từ ngày 28/5/2021 đến nay, tỉnh Gia Lai đã tổ chức được 3 đợt đón công dân Gia Lai gặp khó khăn cấp bách ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về tỉnh (theo Kế hoạch) được 469 người; trong đó có 241 phụ nữ mang thai và 42 trẻ em; đảm bảo an toàn và được chăm sóc tốt, trong đó có những trường hợp sinh sản (38 người), xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu.
Tuy nhiên, số lượng người đi tự phát về tỉnh rất lớn, từ ngày 28/5/2021 đến nay tỉnh đã đón hơn 58.000 người, trong đó phải đưa đi cách ly tập trung hơn 32.000 người. Theo báo cáo của ngành y tế, hiện nay số bệnh nhân là F0 về từ vùng dịch chiếm hơn 80% tổng ca mắc của tỉnh.
Việc đón công dân về tỉnh được chính quyền rất quan tâm. Tuy nhiên, khi thực hiện phải tính toán đến các yêu cầu như: Khả năng tiếp nhận để thực hiện việc cách ly tập trung, đảm bảo các điều kiện để không lây chéo; khả năng tiếp nhận điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Quan trọng nhất là phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, trong điều kiện hiện nay tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine của tỉnh Gia Lai còn thấp (chỉ khoảng 14,4%).
Ngoài ra, phải có sự thống nhất giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh miền Nam trong triển khai các đợt đón công dân về địa phương. Theo kế hoạch, tỉnh phải triển khai đón công dân theo thứ tự ưu tiên, trước tiên là những người thật sự khó khăn, có nhu cầu cấp bách như: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai; lao động khó khăn, mất việc làm; học sinh, sinh viên không có nơi lưu trú; người đi khám chữa bệnh bị giãn cách xã hội tại thành phố Hồ Chính Minh và tỉnh Bình Dương; người dân tộc thiểu số....
Đối với những người dân còn ở vùng dịch của các tỉnh phía Nam, tỉnh đã tổ chức hỗ trợ các đối tượng khó khăn với mức 1 triệu đồng/người cho 573 người với số tiền 573 triệu đồng. Đối với học sinh chưa về được các tỉnh khác để học tập thì tỉnh đã tạo điều kiện để tham gia học tập tại tỉnh. Vì vậy, đề nghị người dân hiểu và ủng hộ chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ và tiếp đón người dân về tỉnh một cách an toàn và chu đáo.
Ngoài ra, tính đến hết ngày 02/10/2021, các cấp chính quyền đã tổ chức hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch bệnh covid-19 với số tiền gần 29 tỉ đồng, đảm bảo đúng đối tượng quy định.
Về việc tiêm vaccine sắp tới sẽ tiêm theo đối tượng ưu tiên sau: Các dịch vụ thiết yếu như hàng ăn uống, cung cấp gạo, gas, nước, cửa hàng bán lẻ hàng hoá thiết yếu, chợ. Các hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn.
Rà soát bổ sung tiêm cho các doanh nghiệp chưa được tiêm, shipper, lái xe thồ, Grapbike (dịch vụ đặt xe máy), khu vực thành thị, tiểu thương ở các chợ. Đối tượng sinh viên nhập học tại Thành phố Hồ Chí Minh; Lao động trở lại làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai (yêu cầu phải có địa chỉ công ty làm việc cụ thể).
Thận trọng trong việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin về tình hình dịch Covid-19
Đặc biệt, thời gian gần đây, trên mạng internet xuất hiện những thông tin sai lệch, làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong dư luận. Vì vậy, đề nghị người dân đề cao cảnh giác, thận trọng trong việc đọc và chia sẻ thông tin; chủ động theo dõi thông tin trên các cơ quan báo, đài; thông tin chính thức về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh được Ban chỉ đạo tỉnh đăng công khai trên mục “Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai” trên mạng xã hội Zalo; fanpage “Gia Lai - Chung tay phòng chống dịch” trên mạng xã hội Facebook.
Cùng ngày, Giám đốc Sở TTTT tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Ngọc Hùng cũng đã ký văn bản số 1773/STTTT-TTBCXB về việc thực hiện việc đưa thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, thời gian gần đây; trên các trang mạng xã hội xuất hiện những thông tin sai sự thật; đăng tải, chia sẻ các văn bản, thông tin nội bộ xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp nhưng chưa được phép công khai, còn đang trong quá trình triển khai chưa có kết quả, kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Việc này gây nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Vì vậy, đại diện các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố khi thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; đề nghị phải đảm bảo thống nhất, chuẩn xác, đúng thực tế, chủ động định hướng thông tin tích cực, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân với hệ thống chính trị.
Tổ chức phổ biến, quán triệt công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị về ý thức trách nhiệm của cá nhân trong việc sử dụng mạng xã hội; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, hoặc những thông tin mang tính chất nội bộ chưa được công khai; tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của địa phương; có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với tổ chức, cá nhân vi phạm.