Ngày 8/7/2019, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Phiên làm việc giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC với lãnh đạo Bộ Tư pháp để tiếp thu ý kiến đối với Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì phiên làm việc.
Tham gia phiên làm việc có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; lãnh đạo các đơn vị chức năng của TANDTC và Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc phiên làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được quy định trong nhiều văn kiện và các quy định của pháp luật. Hòa giải, đối thoại thành giúp các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà không cần phải mở phiên tòa xét xử; rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc; tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và các bên; hàn gắn những rạn nứt trong các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên làm việc
Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, TANDTC đã triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình thực hiện đã thu được những kết quả tích cực; các vụ việc hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ khá cao. Để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho TANDTC xây dựng Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tại phiên làm việc, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC trình bày khái quát về quá trình xây dựng Dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án. Dự thảo Luật đã bám sát Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”; “Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án;... bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án”. Dự thảo Luật cũng phù hợp với Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án, đó là “Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự”.
Quang cảnh phiên làm việc
Tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các đại biểu của Bộ Tư pháp bày tỏ sự đồng thuận và đánh giá cao nội dung của Dự thảo Luật đã đảm bảo phù hợp với các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần có sự đồng bộ với các cơ chế chính sách về hòa giải, đối thoại đã được pháp luật quy định, tránh chồng chéo nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về hòa giải, đối thoại.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Bộ Tư pháp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giao cho Vụ Pháp chế- Quản lý khoa học TANDTC nghiên cứu để chỉnh sửa Dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo kế hoạch, tháng 7/2019, TANDTC gửi hồ sơ Dự thảo Luật để xin ý kiến của Chính phủ; tháng 10/2019, Quốc hội sẽ thảo luận và tháng 5/2020 Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.