Ngày 22/11, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Nguyễn Quốc Anh cho biết, bệnh viện đang tập trung nguồn lực tốt nhất cho 3 bé sơ sinh sinh non được chuyển từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh lên.
PGS Nguyễn Quốc Anh cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin 4 trẻ sơ sinh tử vong, bệnh viện đã cử PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai làm Trưởng đoàn công tác cùng các cán bộ bác sĩ ở các chuyên khoa xuống Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.
Ngay trong ngày 20/11, 11 trẻ sơ sinh yếu đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 cháu nhỏ và bệnh viện đã tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, điều trị cho các cháu.
"Tôi đã chỉ đạo các khoa tập trung nguồn lực để cứu chữa cho các cháu bằng chiến lược kháng sinh mạnh nhất, máy móc hiện đại nhất. Các cháu có biểu hiện nhiễm khuẩn nặng, cháu nặng phải được cách ly. Bệnh viện Bạch Mai cũng miễn toàn bộ viện phí cho các cháu", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Các bé đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Bạch Mai
Đến nay có 2/3 bé thoát khỏi tình trạng nặng đặc biệt nhưng các bác sĩ tại đây vẫn phải theo dõi chức năng sống từng giờ.
Theo đó, bé Vũ Thị Minh Tr. vào viện ngày thứ 11 sau sinh, mẹ có tiền sử sản khoa, sinh con lần 1, mổ đẻ suy thai, thai nặng 2,8kg. Chẩn đoán khi chuyển viện, cháu Tr. bị suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh. Ngay khi tiếp nhận, bệnh viện đã điều trị tích cực, thở máy và xét nghiệm cơ bản, siêu âm tim, thóp, phát hiện các bệnh lý sớm, can thiệp kịp thời.
Qua hội chẩn tại bệnh viện, cháu bé bị nhiễm khuẩn sơ sinh nặng, được xử trí bù dịch, kháng sinh, dinh dưỡng, hỗ trợ hô hấp, truyền máu.
Bé thứ 2 là Nguyễn Hùng C., vào viện ở ngày tuổi thứ 4, là thai sinh non 35 tuần, mổ đẻ, nặng 3kg, chẩn đoán ban đầu là suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh. Khi chuyển đến BV Bạch Mai, cháu bé có tình trạng suy hô hấp, vàng da. Hiện bé đang được điều trị tích cực, kháng sinh, theo dõi toàn trạng 1h/lần, chiếu đèn. Hiện bé còn vàng da nhưng phản xạ có tốt hơn, đã ăn được.
Bé thứ 3 là Đỗ Bảo L., vào viện từ ngày thứ 4 sau sinh thường ở tuổi thai tuần 34; cân nặng lúc sinh 2,9kg. Bé được chuẩn đoán suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh, vàng da và phải thở máy. Hiện tại trẻ còn vàng da, tình trạng huyết động trong giới hạn ổn định, không phải thở oxy, đã ăn được.
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, những ca nặng như thế này, điều trị vô cùng khó khăn và phải có phác đồ đặc biệt. Từ máy thở, thuốc men và cả chế độ ăn. Các bác sĩ phải nghiên cứu thay đổi chế độ ăn sao cho phù hợp với bệnh nhi. Mỗi bữa, cho trẻ ăn tăng hay giảm 1ml cũng phải hội chẩn rất kỹ.
Tuy nhiên, với trẻ em “bệnh thì rất rõ nhưng để chữa thì tùy thuộc từng cháu. Phụ thuộc vào vi khuẩn bệnh nhân mắc phải. Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi trẻ; vào sự tiếp nhận điều trị của mỗi đứa trẻ, khi đưa thuốc vào em bé có thể tiếp nhận được không, gan thận em bé có đủ khả năng lọc các kháng sinh điều trị hay không. Hiện các bác sĩ đang dùng những kháng sinh phối hợp hiện đại nhất, máy móc hiện đại nhất để điều trị cho các bệnh nhi”, PGS Dũng nói.
Sáng 20/11, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh xảy ra vụ việc 4 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong. 4 trẻ tử vong đều sinh non (sinh từ 32 đến 34 tuần) với cân nặng từ 1,6 đến 2,3kg. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh ngày 21/11 đã thành lập hội đồng chuyên môn và kết luận số trẻ tử vong do bị nhiễm khuẩn, sốc nhiễm khuẩn. |
…