Hệ lụy của nạn tảo hôn chính là nỗi buồn của người phụ nữ ngồi tựa cửa dỗ con khỏi quấy khóc. Nước mắt sẽ không còn lăn dài trên má nếu như tìm được giải pháp khai phá thành trì bảo thủ, những hủ tục lạc hậu kìm chân người dân bao đời nay.
Để vào được trung tâm, mọi người phải đi qua cầu Mường Lát, buổi tối những cặp đôi thường di chuyển bằng xe máy lên cầu này ngồi tâm sự, trò chuyện tới khuya mới về. Từ trên cầu có thể nhìn ra bao quát xung quanh núi non trung điệp và đêm đặc quánh. Mường Lát là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn ở mức cao. Toàn huyện có 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%.
Đọc báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2011-2015, khu vực miền núi có 1.207 cặp tảo hôn; 86 cặp hôn nhân cận huyết thống mà thấy xót xa cho bao nhiêu số phận em gái phải lỡ bước sang ngang khi thanh xuân chưa kịp chớm nở. Bình quân hằng năm có từ hơn 200 cặp đến gần 300 cặp tảo hôn và có gần 20 cặp kết hôn cận huyết thống, tập trung nhiều ở các huyện như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn…
Đề án "Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và triển khai từ năm 2017 – 2020 hiện đã có 223 xã thuộc 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh thực hiện. Đây được xem là chìa khóa để tháo gỡ khó khăn, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Các nguyên nhân cũng đã được phân tích, phần lớn là do phong tục hứa hôn, nhiều người dân tộc thiểu số lấy vợ, lấy chồng sớm để gia đình có thêm người làm. Cùng đó là do trình độ dân trí thấp, sự hạn chế tiếp cận kiến thức pháp luật của đồng bào. Cuộc sống khó khăn, nhiều em phải nghỉ học từ sớm nên thiếu trang bị kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản không nhiều. Thêm vào đó sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt.
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Hiền (Phòng Chính sách của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Việc thay đổi một tập tục của người dân tộc có từ nhiều đời là vô cùng gian nan. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây nhiều hệ lụy cho chính những người trong cuộc, cộng đồng dân tộc và cho cả xã hội. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong lĩnh vực hôn nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số dù có khó mấy cũng phải triển khai và thực hiện có hiệu quả.
Ban Dân tộc cùng với chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức biên soạn các loại tài liệu tiếng Việt, phiên âm tiếng dân tộc có nội dung tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bao gồm: tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp, pa nô, áp phích. Xây dựng mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống quy mô cấp xã, nhà trường (giai đoạn 2016 - 2018) trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh (mỗi huyện 2 Mô hình).
Đối với 5 huyện biên giới lựa chọn 1 xã và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện để thực hiện mô hình; các huyện còn lại Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Bá Thước lựa chọn 1 xã và 1 Trường Trung học cơ sở để thực hiện mô hình.
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình trong cộng đồng người dân tộc thiểu số bằng hình thức tổ chức các Hội nghị tuyên truyền và tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về Luật hôn nhân và gia đình trong các trường THCS, THPT và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ truyền thông cơ sở, công chức tư pháp xã, công chức công tác dân tộc, cán bộ thôn, bản và cộng tác viên dân số thôn, bản. Các chương trình tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở.
Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền trên sóng Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện, trên các báo, bản tin và hệ thống truyền thanh cấp xã về các quy định của pháp luật, hệ lụy của việc kết hôn, sinh con sớm.
Tại huyện Mường Lát đã phối hợp và tổ chức 10 cuộc tuyên truyền Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” tại 2 xã và 7 bản, 1 trường học chủ yếu tập trung các bản dân tộc Mông ở các xã Trung Lý, Mường Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tam Chung, 1 bản ở xã Quang Chiểu và 2 bản Khơ mú ở 2 xã Mường Chanh và Thị trấn. Có trên 1.350 đại biểu tham gia, đối tượng là cán bộ UBND xã, các hội đoàn thể, trưởng, phó bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng cốt cán của địa phương, đại diện cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên, học sinh trong độ tuổi dậy thì...
Nhờ sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, cùng với việc đổi mới trong công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng đến đối tượng học sinh tại các trường ở vùng cao đã mang lại chuyển biến tích cực trong nhận thức về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Theo thống kê của các huyện, tỷ lệ tảo hôn năm 2016 4,12% giảm xuống còn 0,91% năm 2020. Năm 2016 có 6 cặp hôn nhân cận huyết thống (tỷ lệ 0,067%) đến năm 2020 không còn hôn nhân cận huyết thống. Đây chỉ là báo cáo, trên thực tế số lượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở các khu vực hẻo lánh, địa hình đi lại khó khăn.
Trên thực tế, các hoạt động tuyên truyền diễn ra chưa thực sự thường xuyên và đơn điệu về hình thức tổ chức. Đối tượng được phổ biến cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về lĩnh vực hôn nhân, về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình còn ít. Việc thay đổi tư duy, nhận thức về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế.
Với vùng dân tộc miền núi nói chung, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn nói riêng trong công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện truyền thông, dân cư cư trú không tập trung, thanh niên đi làm ăn xa không tham gia các buổi tuyên truyền. Một số ít các gia đình, dòng họ chưa kiên quyết trong việc can thiệp vấn đề tảo hôn.
Cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhiều nơi vẫn còn buông lỏng, chưa bị xử lý nghiêm. Thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, các cơ quan tố tụng sẽ đẩy mạnh xử lý các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Trên cơ sở thực tế, các quy định của pháp luật, tòa án nhân dân các cấp sẽ tiến hành xét xử các vụ án điểm để cảnh báo, răn đe.
Trong tiến trình phát triển, những hủ tục lạc hậu sẽ bị triệt tiêu, loại bỏ. Khi người dân tộc có cơm no, trẻ con được đến trường, giao thông được kết nối, điện sáng về bản thì ánh sáng văn minh sẽ phủ khắp. Vì thế, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở các huyện vùng cao cần được đẩy nhanh, mạnh và có hiệu quả. Dân ấm no thì thành trì cổ hủ, lạc hậu ắt sẽ sụp đổ, những lời ru ai oán sẽ thôi không còn ám ảnh người dân vùng biên.