Mới đây ngài Del Bosque “nghỉ hưu” khỏi chức vụ huấn luyện đội tuyển Tây Ban Nha. Dẫu ông từng lập nên trang sử oai hùng cùng “bò tót” rút cuộc cũng phải chia tay, ngẫm đời cầm quân thật…bạc.
Lần đầu tiên người Tây Ban Nha nếm vị ngọt ngào của nhà vô địch Euro vào năm 2008. Nhưng cảm giác được cả thế giới ngước nhìn phải là năm 2010 dưới tay chèo Del Bosque. Để rồi nhà vô địch thế giới đó phá bỏ “lời nguyền” chưa đội bóng đương kim vô địch Euro nào bảo vệ thành công ngôi báu. Đó là chiến công chỉ thuyền trưởng tài ba lãnh đạo một tập thể nhiều nhân tài mới làm được.
Thành tích oai hùng đó lại dựa trên một lối chơi thuyết phục người xem chưa từng có trong quá khứ. Không hiếm những đội bóng để leo lên đỉnh cao thế giới sẵn sàng chơi “tiểu nhân”. Italy vô địch thế giới năm 2006 sau khi hậu vệ của Ý “chơi xấu” Zidane. Nói vậy để thấy Tây Ban Nha đã thuyết phục đối thủ bằng lối chơi thể hiện khí phách “anh hùng” như thế nào.
Đỉnh cao chói lọi rồi cũng hóa ký ức vàng son. (Ảnh: Getty)
Một đội tuyển Tây Ban Nha chơi kiểm soát bóng hơn đối thủ, đánh bại mọi trường phái bằng những ngón nghề Tiki taka được cả thế giới say đắm. Bóng đá hiện đại vốn nhiều tính toán chiến thuật, nhưng đội bóng xứ đấu bò cho thấy mọi toan tính với họ chẳng hề hấn gì. Đánh bại Ý thuyết phục ở trận chung kết cách đây 4 năm nói lên điều đó. Tây Ban Nha của Del Bosque mang trong mình sự uy nghiêm của người hùng mỗi lần xung trận mạnh mẽ.
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là thời - vận; “bò tót” đã không còn là chính mình trong 2 năm trở lại đây. Bị loại sớm tại World Cup 2014, và bị Ý đánh bại tại vòng 1/8 Euro 2016. Đã đến lúc mọi thứ phải được thay đổi, người huấn luyện viên phải chịu trách nhiệm cho thất bại của đội nhà. Dù ông ta đã đem lại cho đất nước vinh quang chói lọi ra sao mọi chuyện vẫn phải được làm rõ.
Khi “kiếm đã cùn, đao hết sắc” người anh hùng cũng phải “ẩn cư”. (Ảnh: Getty)
Tây Ban Nha thoái trào, lối đá Tiki taka không còn phù hợp hay con người vận hành lối đá đó “bị lỗi” là những câu hỏi phải có lời đáp. Để cho đội bóng thành công cần sự mới mẻ mà huấn luyện viên khác có thể đem lại. Del Bosque cũng như các huấn luyện viên tiền nhiệm khác từng dẫn dắt “bò tót” khi không thể thỏa mãn được thành tích đội nhà phải nói lời chia tay.
Đỉnh cao chói lọi, thế giới ca ngợi rồi cũng sẽ phải “về hưu” hay nói cách “trắng trợn” hơn là thất nghiệp. Ngẫm đời huấn luyện viên thật là bạc bẽo, tác giả lại nghĩ tới chuyện xưa có hàm ý tương tự nghề cầm quân: “Điếu tận cung tàng: thỏ khôn chết, chó săn bị mổ thịt, chim bay cao chết, cung tốt vứt bỏ, nước địch phá xong mưu thần bị giết”.