Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến: Quản lý chặt để tránh trục lợi

11/05/2012 07:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những tháng đầu năm 2012, số người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2009 có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hiện con số này đã lên tới trên 7,9 triệu người.

 Nguyên nhân của hiện tượng này là gì?

 Không phải do nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong quý I-2012 có tới 10.350 doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2011. Điểm đáng chú ý, trong tổng số 10.350 doanh nghiệp trên, số doanh nghiệp được thành lập từ 1 đến 2 năm chiếm tới 65%, trong số đó có 23,1% doanh nghiệp thành lập được 1 năm và 41,9% doanh nghiệp thành lập được 2 năm; như vậy, số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động được thành lập trên 2 năm chỉ chiếm 35%.

Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến: Quản lý chặt để tránh trục lợi

Mặt khác, Luật Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, và người lao động để có đủ tiêu chuẩn hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì họ phải có đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 đến 24 tháng. Điều này cho thấy, số lượng người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có thời gian thành lập từ 2 năm trở lên. Và như vậy, việc các doanh nghiệp (được thành lập mới từ 1 đến 2 năm) tuyên bố phá sản, giải thể và ngừng hoạt động chưa hẳn là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng đột biến số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong những tháng đầu năm vừa qua.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, địa phương có số lượng người đăng ký thất nghiệp và đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp lớn là Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội. Số liệu của Trung tâm Giới thiệu việc làm Tp.. Hồ Chí Minh cho thấy, 4 tháng đầu năm 2012 đã có hơn 52.200 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có hơn 36.000 người đã có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp và nhận thẻ bảo hiểm y tế. Riêng hai tháng 3 và tháng 4, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến, bình quân mỗi tháng có 16.000-17.000 người đăng ký hưởng loại hình bảo hiểm này.

Còn tại Hà Nội, những tháng đầu năm 2012, số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng đột biến. Chỉ riêng 20 ngày của tháng 2-2012, đã có 1.055 lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nâng tổng số đăng ký từ đầu năm đến thời điểm đó lên 2.522 người, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 1.969 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan bảo hiểm đã có quyết định chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho 1.585 người. Tỷ lệ lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp nhiều nhất từ đầu năm tới nay vẫn là lao động làm việc ở các công ty trách nhiệm hữu hạn (58,4%) và công ty cổ phần (21,5%). Trong đó, có tới 70% là lao động phổ thông. Con số này tiếp tục tăng cao trong tháng 4. Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, trong tháng 4 đã có gần 2.700 người đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.

Có hiện tượng trục lợi?

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2009 có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hiện con số này đã lên tới trên 7,9 triệu người. Việc gia tăng đột biến số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp  có thể được giải thích như sau: Sau hơn 3 năm, bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống, số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng. Có nhiều hơn số người đã đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 đến 24 tháng, trong khi những năm trước họ chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài nguyên nhân trên, có ý kiến lo ngại về việc có không ít lao động chủ động xin nghỉ việc để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Thậm chí có tình trạng một số doanh nghiệp tạo điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Những doanh nghiệp này đã bố trí cho người lao động nghỉ từng đợt khi người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng để được nhận bảo hiểm thất nghiệp, và sau đó lại tái ký hợp đồng. Người lao động vẫn được nhận đủ 3 tháng trợ cấp thất nghiệp mặc dù họ đã đi làm trở lại ở nơi khác hoặc ngay tại đơn vị cũ. Cũng có người lao động sẽ lợi dụng để đua nhau “nhảy việc” giữa các công ty, nhà máy nhằm hưởng tiền bảo hiểm thất nghiệp. Tình trạng này đã được cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện ở một số nơi nhưng chưa có chế tài xử lý.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, ngay sau khi có thông tin về hiện tượng người lao động đổ xô đăng ký bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi, Cục đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, trung tâm giới thiệu việc làm để làm rõ, nhưng không có chuyện người lao động “lách luật” để trục lợi tiền bảo hiểm thất nghiệp. Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác xác minh các trường hợp nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thực sự đang thất nghiệp hay không nhằm ngăn chặn hiện tượng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Các cơ quan quản lý bảo hiểm tự nguyện cần có biện pháp để quản lý an toàn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để quỹ thực sự là chỗ dựa của người lao động khi gặp rủi ro và không để một số người trục lợi từ chính sách này.

T.K

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến: Quản lý chặt để tránh trục lợi