Cuốn “Các tội phạm về ma túy ở Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử”: Rất hữu ích cho những người làm công tác pháp luật

PV| 10/04/2014 10:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuốn sách “Các tội phạm về ma túy ở Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử” của TS. Phạm Minh Tuyên, Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, vừa được xuất bản đã thu hút được sự chú ý của đông đảo những người làm công tác pháp luật hiện nay.

Ma túy từ khi xuất hiện đã thực sự trở thành một thảm họa đối với con người và cộng đồng xã hội làm gia tăng các loại tội phạm khác gây mất trật tự trị an, làm băng hoại đạo đức và đặc biệt ma túy đã trở thành cầu nối của đại dịch HIV/AIDS. Vì vậy để đấu tranh phòng chống ma túy có hiệu quả, chúng ta cần phải tìm hiểu và nhận thức đầy đủ về ma túy, về các phương thức, thủ đoạn phạm tội về ma túy ở Việt Nam và trên thế giới.

Dưới sự giúp đỡ của Dự án JICA và TANDTC, TS. Phạm Minh Tuyên, Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh đã trực tiếp nghiên cứu này. Cuốn sách dựa trên kết quả nghiên cứu này giúp cho việc nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng thống nhất pháp luật hình sự của các Thẩm phán, nhất là các Thẩm phán trẻ và những người làm công tác pháp luật nói chung. Tác giả đã đưa ra nhiều tư liệu, dẫn chứng phong phú, sinh động về các chất ma túy, phân loại ma túy, các tiền chất sản xuất ma túy… đang được sử dụng hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới; nêu các tác hại do ma túy gây ra cho cộng đồng xã hội, cho gia đình và mỗi cá nhân.

Cuốn “Các tội phạm về ma túy ở Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử”: Rất hữu ích cho những người làm công tác pháp luật

Ảnh bìa cuốn sách

Chương 2, tác giả trình bày về chính sách hình sự và cơ sở trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về ma túy trong luật hình sự Việt Nam, trong đó nghiên cứu pháp luật thời phong kiến với chính sách “Lấp nguồn cạn dòng” đối với tội phạm ma túy; và nhất là chính sách hình sự của nhà nước ta đối với các tội phạm ma túy theo pháp luật Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, đặc biệt là các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tác giả tập trung phân tích cơ sở trách nhiệm hình sự về tội phạm ma túy, các tội phạm cụ thể, cấu thành cơ bản và cấu thành tăng nặng, trong đó nêu rõ những văn bản hướng  dẫn áp dụng các quy định của BLHS đối với tội phạm ma túy, kèm theo bình luận rất sâu sắc với kinh nghiệm nhiều năm của tác giả. Một nội dung thường gây vướng mắc trong thực tiễn được tác giả giải quyết là một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt.

Chương 3 của cuốn sách là tình hình, nguyên nhân và điều kiện của các tội phạm về ma túy ở Việt Nam, thực trạng, cũng như dự báo tình hình tội phạm ma túy sắp tới.

Chương 4 về các loại hình phạt đối với tội phạm về ma túy và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam, bàn về các loại hình phạt, quyết định hình phạt, nâng cao hiệu quả của hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự và các biện pháp tư pháp đối với tội phạm ma túy.

Chương 5 là một số vụ án cụ thể và những hạn chế cần rút kinh nghiệm thông qua thực tiễn xét xử và những giải pháp khắc phục. Điều hấp dẫn của chương này là sau mỗi vụ án, tác giả rút ra những kinh nghiệm, thực chất là bình luận án rất sâu sát và thiết thực.

Có thể nói, với 5 chương, dựa trên cơ sở lý luận về khoa học hình sự và tội phạm học, cũng như nghiên cứu tổng kết thực tiến đấu tranh chống tội phạm về ma túy ở Việt Nam hiện nay, cũng như các quy định của BLHS, tác giả đã phân tích một cách tương đối toàn diện về BLHS đối với các tội phạm ma túy.

Đúng như trong Lời giới thiệu, TS Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC nhận xét: “ Mặc dù đây không phải là tài liệu hướng dẫn chính thức và một số nội dung nêu trong cuốn sách chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, cũng như  của một số tác giả khác để tham khảo khi áp dụng pháp luật hình sự, nhưng cuốn sách này có thể nói rằng cũng là tài liệu rất hữu ích cho những người làm công tác pháp luật nói chung và Thẩm phán nói riêng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuốn “Các tội phạm về ma túy ở Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử”: Rất hữu ích cho những người làm công tác pháp luật