Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận

Ngọc Mai| 17/10/2018 16:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Sáu của QH được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày sáng ngày 17/10 nêu rõ.

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo

Sáng 17/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của QH; Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm của QH; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến QH (từ 16/8/2017 đến 15/8/2018).

Dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ từ sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Cử tri và nhân dân còn nhiều lo lắng

Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, vai trò quản lý, điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, nhờ đó, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định; chất lượng của nền kinh tế tăng trưởng khá.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn; tăng cường công tác lập pháp và giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri và Nhân dân kiến nghị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; thành lập các tổ công tác theo dõi, trực tiếp kiểm tra một số bộ, ngành và địa phương...

Tuy nhiên, cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm, nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính. Những biểu hiện tiêu cực này thường chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, hầu như không được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức.

Về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, báo cáo đánh giá thời gian qua, ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện điều tra nhanh, truy bắt kịp thời, xử lý nhiều đối tượng phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất lo ngại về tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp như trộm, cướp ngày càng nguy hiểm, táo bạo; một số vụ án giết nhiều người gây hoang mang, lo lắng trong dư luận; nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình; lừa đảo qua mạng, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; “bảo kê”, băng nhóm “xã hội đen”, sử dụng “đầu gấu” đòi nợ thuê… diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân.

“Đề nghị Bộ Công an tập trung trấn áp các loại tội phạm; các ngành chức năng ở trung ương và địa phương kiên quyết xử lý những người có trách nhiệm có hành vi bao che vi phạm”, báo cáo nhấn mạnh.

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân; kịp thời phản bác, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận... 

Trả lời kiến nghị của cử tri còn chung chung, chậm

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày, các cơ quan của QH đã tiếp nhận 60 kiến nghị (13 kiến nghị liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; 47 kiến nghị liên quan đến các hoạt động giám sát). Đối với kiến nghị liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, toàn bộ các kiến nghị đã được các cơ quan của QH trả lời, cung cấp thông tin, giải đáp cho cử. Với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, QH đã xác định rất rõ nguyên tắc đối với việc đưa các dự án luật vào Chương trình cần phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc và khả năng của mỗi cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng xây dựng luật; việc xây dựng luật được thực hiện theo hướng quy định cụ thể, hạn chế tối đa việc xây dựng luật khung, và các điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết... Về hoạt động giám sát,

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải  trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm

Về hoạt động động giám sát, các kiến nghị này đã được các cơ quan của QH, Tổng thư ký QH trả lời, giải trình cho cử tri, trong đó nêu rõ: hoạt động giám sát của QH thời gian qua đã có nhiều đổi mới, ngày càng đảm bảo tính hiệu quả và thực chất hơn; QH đã quan tâm giám sát đối với những vấn đề mà cử tri kiến nghị nhiều, xã hội đặc biệt quan tâm như: công tác phòng, chống tham nhũng đã được QH ban hành nghị quyết về vấn đề này (năm 2013) và hàng năm, QH tiến hành giám sát thông qua việc xem xét, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giải quyết kiếu nại, tố cáo; công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm…

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp nhận 2.004 kiến nghị, nội dung các kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Nội dung các kiến nghị này đã được xem xét, giải quyết, trả lời đạt 100%, hầu hết các kiến nghị đều được trả lời ở dạng giải trình hoặc cung cấp thông tin về nội dung của các văn bản pháp luật chiếm 79,79%; số các kiến nghị được xem xét giải quyết đạt 5,14%; còn lại 302 kiến nghị đang tiếp tục được nghiên cứu để giải quyết chiếm 15,07%.

Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Ban Dân nguyện, các Ủy viên UBTVQH thẳng thắn chỉ rõ, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri còn nhiều hạn chế, trả lời chung chung gắn với cung cấp thông tin, trả lời chậm, trả lời cho xong. Số lượng kiến nghị đang trong quá trình xem xét, giải quyết còn nhiều, tồn đọng nhiều kiến nghị qua nhiều năm tập trung ở một số cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các UBTVQH đề nghị, Báo cáo cần bổ sung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc trả lời không đúng kiến nghị của cử tri, đánh giá chất lượng trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân qua việc phản hồi ý kiến của chính cử tri, nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận