Cú “ngã ngựa” của cựu Chủ tịch Interpol ảnh hưởng thế nào tới Trung Quốc?

Hà Kim| 10/10/2018 10:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc bắt giữ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ chứng minh rằng không một ai “miễn dịch” trước chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh, kể cả những người giữ vị trí lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế.

Vào lúc đỉnh cao của sự nghiệp chính trị, ông Mạnh Hoành Vĩ - người Trung Quốc đầu tiên giữ chức Giám đốc tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã được truyền thông trong nước tự hào. Ông này được đánh giá là bằng chứng cho thấy cộng đồng quốc tế hoàn toàn công nhận năng lực của lực lượng hành pháp Trung Quốc cũng như việc nước này là quốc gia hành xử đều dựa trên các quy định của pháp luật.

Chưa đầy một năm sau khi nhậm chức tại cơ quan cảnh sát toàn cầu, ông Mạnh đã tổ chức một cuộc họp toàn thể của Interpol tại Bắc Kinh. Tại buổi khai mạc, ông Mạnh Hoành Vĩ được ưu tiên ngồi cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình. Ở cuộc họp này, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc đã có bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Mạnh và Interpol.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, vị thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc này, lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý nhưng với lý do hoàn toàn khác. Ông Mạnh Hoành Vĩ, 64 tuổi được vợ thông báo là đã mất tích sau khi về nước.

Hai ngày sau có tin, ông Mạnh bị cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc điều tra. Thông báo chỉ một câu ngắn ngủi của cơ quan giám sát tham nhũng Trung Quốc không tiết lộ ông Mạnh đã làm sai điều gì. Tuy nhiên, sau đó một ngày, Bộ Công an Trung Quốc cho biết, quan chức này bị buộc tội nhận hối lộ.

Vài ngày sau khi thông tin ông Mạnh mất tích được đưa ra và cảnh sát Pháp tiến hành điều tra, Interpol đề nghị cung cấp thông tin về vụ việc, phía Trung Quốc cho hay ông Mạnh Hoành Vĩ đang bị giam giữ và điều tra về tội tham nhũng. Interpol cũng nhận được đơn xin từ chức ngay lập tức của ông Mạnh Hoành Vĩ.

Trong một thông báo được đăng tải trên Twitter ngày 6/10, Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock cho biết, Interpol đã yêu cầu Chính phủ Trung Quốc làm rõ thông tin về Giám đốc Mạnh Hoành Vĩ thông qua các kênh hành pháp chính thức. Ông Jurgen Stock mong sớm nhận được phản hồi chính thức từ phía Trung Quốc để giải quyết mối lo ngại về tình trạng của ông Mạnh Hoành Vĩ.

Cú “ngã ngựa” của cựu Chủ tịch Interpol ảnh hưởng thế nào tới Trung Quốc?

Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ

Từng giữ nhiều chức vụ cấp cao tại Trung Quốc, trong đó có chức Thứ trưởng Bộ Công an, có tới 40 năm kinh nghiệm trong các hoạt động phòng chống tội phạm liên quan đến ma túy, khủng bố..., Mạnh Hoành Vĩ là niềm tự hào khi trở thành người Trung Quốc đầu tiên giữ chức Chủ tịch Interpol vào tháng 11/2016. Sự kiện này khiến Bắc Kinh hết sức vui mừng vì cho rằng điều này giúp nâng cao hình ảnh hệ thống tư pháp của Trung Quốc.

Phải đến năm 2020, nhiệm kỳ Chủ tịch Interpol của ông Mạnh Hoành Vĩ mới kết thúc. Nhưng tín hiệu mà dư luận cho là “không lành” với ông đã xuất hiện vào tháng 4 vừa rồi, khi Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc thông báo miễn nhiệm vị trí ủy viên của ông Mạnh nhưng không đưa ra lời giải thích.

Trong khi hãng tin AP cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự nghiệp chính trị của ông đi xuống hay đơn giản là khúc dạo đầu cho việc nghỉ hưu sắp tới vì ông đã 64 tuổi, thì cũng có những nhận định rằng ông Mạnh sắp gặp rắc rối.

Việc ông Mạnh mất tích ngay sau khi trở về Trung Quốc càng làm cho nhiều người nghĩ rằng nhận định trên có cơ sở, rằng ông Mạnh “ngã ngựa” chứ không “hạ cánh”. Điều này hoàn toàn không bất ngờ bởi mới đây, Trung Quốc đã thành lập một cơ quan điều tra tham nhũng được quyền “bí mật” bắt giam các quan chức bị nghi phạm tội.

Quan chức Trung Quốc bị điều tra thường mất tích bí ẩn trong nhiều tuần hay nhiều tháng trước khi các cơ quan chức năng lên tiếng về số phận của họ.

Trong chiến dịch chống tham nhũng mà Trung Quốc phát động từ năm 2012, mọi công dân Trung Quốc, kể cả những quan chức cấp cao, đều bị xử phạt nghiêm nếu bị phát hiện “dính chàm”. Thậm chí mới tuần trước, Trung Quốc đã gửi một thông điệp nhấn mạnh rằng, sự nổi tiếng tầm quốc tế không phải là lá chắn cho công dân Trung Quốc.

Vì thế, trên phạm vi quốc tế, ông Mạnh là Giám đốc Interpol, nhưng trong mắt của các nhà chức trách Trung Quốc, ông Mạnh trước hết là công dân Trung Quốc, và họ không quan tâm quá nhiều đến danh tiếng quốc tế của ông ta.

Theo giới phân tích, vụ bí mật bắt giữ cựu Chủ tịch Interpol người Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ nằm trong chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ diệt ruồi” của nước này được cho là một động thái bất thường, có khả năng sẽ khiến lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho các nhà lãnh đạo người Trung Quốc tại các tổ chức toàn cầu bị lung lay.

Trong khi đó, Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua có trụ sở tại Bắc Kinh nhận xét, việc ông Mạnh Hoành Vĩ biến mất bất ngờ đã tạo một làn sóng gây sốc đối với cộng đồng quốc tế và dẫn tới chỉ trích Trung Quốc chưa sẵn sàng để đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo quan trọng.

Chuyên gia Paul giải thích, rất khó để có thể tưởng tượng bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác chấp nhận một công dân Trung Quốc đảm nhiệm vị trí lãnh đạo. Liệu họ có đủ chắc chắn và tự tin rằng việc như này sẽ không xảy ra một lần nữa không.

Abigail Grace – nhà nghiên cứu cấp cao thuộc chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Mỹ thì cảnh báo, trường hợp của ông Mạnh Hoành Vĩ có thể gây ra nỗi lo ngại giới chức Trung Quốc không thể hoạt động độc lập trong các tổ chức quốc tế. Vụ việc này cũng cho thấy, Bắc Kinh đặt chiến dịch chống tham nhũng lên hàng đầu, quan trọng hơn bất kỳ sức ép nào từ cộng đồng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cú “ngã ngựa” của cựu Chủ tịch Interpol ảnh hưởng thế nào tới Trung Quốc?