Công trình khoa học và công nghệ (KH&CN) là sản phẩm của lao động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng các thành tựu KH&CN được nhân rộng và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc thời gian qua, một số đề tài, công trình khoa học công nghệ đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tại Hải Phòng không có hiệu quả trong thực tiễn, không có tính nhân rộng nhưng vẫn được cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoa học công nghệ đánh giá rất cao. Phóng viên được nhiều độc giả cung cấp thông tin về công trình điển hình có tên “Ứng dụng và hoàn thiện quy trình sinh sản, nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông tại Hải Phòng” do tác giả Đặng Thị Thanh, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hải Phòng) là một ví dụ điển hình.
Đây là công trình đề nghị xét tặng giải thưởng về khoa học công nghệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Sở KH&CN Hải Phòng từ ngày 1/8/2016 (kèm theo Thông báo số 51/TB-SKHCN ngày 29/7/2016 của Sở KH&CN Hải Phòng là Danh sách 15 công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giải thưởng thành phố về khoa học và công nghệ năm 2016) để lấy ý kiến đóng góp. Trong đó, công trình “Ứng dụng và hoàn thiện quy trình sinh sản, nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông tại Hải Phòng” là công trình thứ 13 và được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Báo cáo tóm tắt công trình của tác giả Đặng Thị Thanh
Theo giới chuyên môn, thành tựu khoa học công trình này không có gì mới và sáng tạo mà chỉ là áp dụng quy trình nuôi cá nước ngọt có sẵn từ trước, ứng dụng quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá rô đồng tại Hậu Giang và một số địa phương khác. Họ cho rằng, công trình này chỉ nên làm mô hình chứ chưa đến mức cần thiết phải xin kinh phí làm đề tài nghiên cứu cấp thành phố cho tốn kém ngân sách Nhà nuớc.
Đề tài này được thực hiện từ 10/2011 - 6/2013 được Hội đồng KHCN TP. Hải Phòng nghiệm thu với số điểm khá cao (87 điểm), được đánh giá là nổi bật về chất lượng. Năm 2013, công trình này còn được nhận giải thưởng “chiến sỹ thi đua cấp thành phố”. Trên thực tế, đề tài này đã kết thúc cách đây 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa nhân rộng, chưa áp dụng được trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hầu hết các cơ sở cung ứng con giống cũng như các trại cá giống của Hải Phòng đều nhập con giống cá rô đầu vuông từ Hải Dương, Hưng Yên và miền Nam về với giá thành nhập về tận Hải Phòng là 80-120 đồng/con, tỷ lệ sống tốt được nông dân ưa chuộng.
Chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại huyện Kiến Thụy, nơi ứng dụng đề tài của tác giả Thanh. Thực tế, người dân không biết liệu giống cá rô đồng đầu vuông có được sinh sản và nuôi thương phẩm tại Hải Phòng hay không nhưng khi được tác giả đề tài cung cấp con giống để nuôi ứng dụng thì bà con cũng đã nuôi thử nghiệm. Họ cho biết, sau khi nuôi thử nghiệm thấy giống cá rô đồng đầu vuông cũng dễ nuôi nhưng hiệu quả kinh tế không cao, bà con cũng chỉ nuôi một vụ.
Mong muốn làm rõ những ý kiến bạn đọc phản ánh, phóng viên đã gửi văn bản đề nghị làm việc với Sở KH&CN Hải Phòng để được cung cấp thông tin. Ngày 7/9/2016, Sở KH&CN Hải Phòng có Văn bản số 493/SKHCN-QLCS trả lời, trong đó có nêu: “Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp thành phố lĩnh vực Khoa học nông, lâm, ngư nghiệp, công trình “Ứng dụng và hoàn thiện quy trình sinh sản, nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông tại Hải Phòng” của tác giả Đặng Thị Thanh đã bị loại do chưa đủ thời gian ứng dụng theo khoản 2 Điều 8 của Quy định giải thưởng”.
Tại Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 7/3/2016 của UBND TP. Hải Phòng ban hành Quy định về Giải thưởng KH&CN thì “công trình đề nghị xét tặng giải thưởng phải phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố và được ứng dụng tại Hải Phòng; thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 3 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 1 năm tính đến thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng giải thưởng nhận hồ sơ công trình đề nghị xét tặng; không vi phạm các hành vi bị cấm theo Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ”.
Có lẽ cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN cần có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, đánh giá khách quan, nghiệm thu chính xác về chất lượng và hiệu quả của các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.