Chuyển đổi số 2021: Tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội

Trang Nhi| 31/01/2022 11:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Trở thành xu thế tất yếu của doanh nghiệp

Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới mọi doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Tuy nhiên, đại dịch cũng được coi là chất xúc tác khiến công cuộc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn hơn bao giờ hết, đặc biệt là năm 2021.

anh-1.-chuyen-doi-so.jpg
Chuyển đổi số giúp người dân thuận tiện hơn khi làm thủ tục hành chính.

Như Bộ trưởng Bộ TT Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, COVID-19 được xem là một "cú huých trăm năm" cho chuyển đổi số tại Việt Nam. Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước bước vào chuyển đổi số. Đại dịch COVID-19 đã đẩy chúng ta ra khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về chuyển đổi số, về truyền thông.

Đây là một cơ may hiếm có để ngành công nghệ thông tin nước nhà phát triển. Việc phải đương đầu với khó khăn đã làm cho chúng ta tự tin hơn cũng như có tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh. Đây chính là động lực cho phát triển. Chỉ tính riêng doanh thu ngành thông tin và truyền thông, trong năm 2021, ngành đã đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6-4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2%-2,5% GDP của quốc gia.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.

anh-2.-chuyen-doi-so.jpg
Chuyển đổi số đã đi vào mọi góc cạnh của cuộc sống

Chính trong quá trình chuyển đổi số này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế số.

Trong 2 năm vừa qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, khu vực công cũng như khu vực tư nhân. Nhận thức của xã hội về chuyển đổi số được lan tỏa rất nhanh chóng. Bên cạnh chất xúc tác đáng kể là đại dịch COVID-19, sự chuyển biến mạnh và tích cực này có được là nhờ rất nhiều chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước từ cấp cao nhất, của các tổ chức chuyên môn và nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ - lực lượng tiên phong của quá trình chuyển đổi số toàn diện quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Chuyển đổi số năm 2021 đã bước đầu đạt được một số kết quả rõ ràng, nhất là về nhận thức và chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã được nâng cao.

Bộ TT&TT cũng đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và đã trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế số, xã hội số. Theo đó, Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào Chiến lược đã được ban hành để xây dựng Chiến lược, chương trình hành động của mình một cách phù hợp.

Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp SME, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số một cách bài bản, cụ thể; đồng thời trực tiếp kết nối các doanh nghiệp này với những doanh nghiệp công nghệ số - những nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu, qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, làm động lực phát triển cho nền kinh tế.

Chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của sống kinh tế xã hội đất nước. Mỗi người dân và doanh nghiệp đang từng ngày cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc đó. Dù vậy, hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân trong xã hội phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng tốc lộ trình và nâng cao hiệu quả hơn nữa công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Phấn đấu lọt Top 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ số

Bước sang năm 2022, đây sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Đây cũng sẽ là năm đầu thực hiện các chiến lược mới, bao gồm: hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí...

anh-3.-chuyen-doi-so.jpg
Chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu của doanh nghiệp

Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Định hướng đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD.

Đến năm 2025, tỉ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Thị phần trong nước đạt trên 50%. Tỉ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn an ninh mạng đạt trên 70%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt từ 35 - 45%/năm, đạt quy mô trên 500 triệu USD vào năm 2025.

Để đạt được điều đó, Bộ lên kế hoạch từ năm 2022 sẽ tập trung vào công nghệ số để giảm tải cho cán bộ công nhân viên. Phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, bỏ đi những việc không tạo ra giá trị, phẳng hoá bộ máy, tự động hoá các báo cáo. Bên cạnh đó, phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc, nhất là các công cụ dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Đặc biệt, chuyển đổi số phải tập trung vào 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số 2021: Tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội