Chủ động thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Trần Minh Giang| 22/08/2016 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TANDTC đã chủ động thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng và trao đổi kinh nghiệm, hợp tác với cơ quan tư pháp các nước trong việc phòng, chống tham nhũng nên đã tạo ra được chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ CBCC TAND.

Tích cực tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Theo Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết đinh số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ) thì TANDTC và các Tòa án khác trong hệ thống TAND không trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch, mà nhiệm vụ này chủ yếu thuộc về các cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định và căn cứ vào nội dung Kế hoạch, TANDTC đã chủ động bổ sung nhiệm vụ thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng vào chương trình hoạt động của TAND gắn với nội dung của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Cũng trong quá trình thực hiện, TANDTC đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSNDTC xây dựng các dự án BLHS và BLTTHS, bổ sung các quy định cho phù hợp với yêu cầu thực thi Công ước. Hiện tại, TANDTC đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ triển khai xây dựng dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng.

 

Chủ động thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

TANDTC tổng kết thực hiện phòng, chống tham nhũng trong TAND

Quá trình triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, TANDTC luôn gắn hoạt động phòng, chống tham nhũng với Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Các hoạt động của TANDTC phù hợp với những mục tiêu bằng giải pháp toàn diện có liên quan đến việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị; gắn việc thực hiện với việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch theo các nội dung Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn. Ngoài ra, trong những chuyến thăm, làm việc với Tòa án các nước, lãnh đạo TANDTC luôn chủ động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác với cơ quan tư pháp các nước trong việc phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, kinh nghiệm giải quyết các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án có yếu tố nước ngoài. Qua những buổi làm việc, các đối tác luôn đánh giá cao vai trò của Tòa án Việt Nam trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, cũng như trong việc thực thi các quy định của Công ước quốc tế về chống tham nhũng.

Chủ động thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Bên cạnh đó, TANDTC còn tích cực triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; góp ý Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Cùng với việc thực hiện, TANDTC cũng đánh giá tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tham gia nghiên cứu, xây dựng một số đề án, chương trình liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng... Trong quá trình thực hiện, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo TANDTC đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng nên đã tạo ra được chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức TAND.

Tăng cường phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Tòa án

Mặc dù Tòa án các cấp đã tích cực thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng và cố gắng trong việc nội luật hóa Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, nhưng TANDTC nhận thấy các quy định pháp luật trong nước vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với Công ước. Đặc biệt, các hành vi tham nhũng được nêu trong Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng chưa được nội luật hóa một cách đầy đủ; các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân chưa được hình sự hóa như yêu cầu của Công ước. Do đó, quan điểm về chống tham nhũng giữa pháp luật của Việt Nam với pháp luật quốc tế còn có khác biệt nhất định, dẫn đến việc thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng chưa được toàn diện, triệt để.

Nguyên nhân của thực trạng này là do Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào đời sống quốc tế, nên trong hầu hết các lĩnh vực trong đó bao gồm cả pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa có sự tương thích với pháp luật quốc tế. Mặt khác, trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng do có nhiều khác biệt giữa quy định của pháp luật quốc tế với thực tiễn quốc gia nên chúng ta cũng vừa thực hiện việc nội luật hóa, vừa phải tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để hoàn thiện cho phù hợp.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng cũng như các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, trong đó có các vụ án tham nhũng, TANDTC tiếp tục chủ động tham gia các chương trình, sáng kiến, diễn đàn quốc tế về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động tư pháp của Tòa án nói riêng phù hợp với điều kiện Việt Nam. TAND các cấp tăng cường thực hiện các cam kết quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ những nguồn lực, kinh nghiệm của các nước và tổ chức quốc tế về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án.

Cùng với đó, Tòa án các cấp chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm. Ngoài ra, các Tòa án đổi mới thủ tục hành chính tư pháp theo hướng công khai, minh bạch; trong xét xử thì đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa để công tác đấu tranh phòng, chống các biểu biện tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Tòa án đạt được hiệu quả cao, hướng đến mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng