Sáng nay (5/6), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các ĐBQH đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).
Theo đó, các nội dung liên quan đến thành lập VKSND sơ thẩm khu vực và chức năng kiểm sát tư pháp của Kiểm sát viên (KSV) được nhiều ý kiến đề cập đến.
Liên quan đến việc tổ chức mô hình VKSND cấp huyện, dự thảo Luật xây dựng hai phương án: Tổ chức VKSND theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW (phương án 1) và tổ chức VKSND tương ứng với TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện (phương án 2). Phía VKSNDTC đồng tình với các ý kiến chọn theo phương án 2 là tổ chức theo mô hình đơn vị hành chính hiện nay, vì các lĩnh vực công tác của cấp kiểm sát này đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ với Cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án, trong khi các cơ quan này vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức gắn liền với các đơn vị hành chính như hiện nay.
ĐB Phạm Hồng Phong phát biểu tại hội trường
Tuy nhiên, thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đa số các ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật và cho rằng, tổ chức mô hình VKSND sơ thẩm khu vực là cần thiết, bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, tăng cường tính độc lập của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dàn trải, bình quân, lãng phí.
ĐB Phạm Hồng Phong (tỉnh Hậu Giang) cho biết, qua thảo luận dự thảo Luật Tổ chức TAND vừa qua, nhiều ĐB đã phân tích khá rõ, ưu điểm của việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực là không làm tăng thêm biên chế, không phải xây dựng mới trụ sở… như nhiều người lo ngại. Hiện nay, các huyện đều có trụ sở với quy mô lớn, đảm bảo việc thành lập TAND, VKSND sơ thẩm khu vực.
Hơn nữa, “việc thành lập TAND, VKSND sơ thẩm khu vực là điểm đổi mới về mô hình tổ chức của Tòa án và VKS, là tiền đề đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của HĐND theo hướng thực chất và có hiệu quả”, ông Phong nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định KSV là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của “quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”, kiểm sát ở đâu, giai đoạn nào thì mới không chồng lấn với quyền tư pháp của Tòa án?
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) đề cập: Thực tiễn trong công tác xét xử đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. KSV kiểm sát hoạt động điều tra từ khâu khởi tố đến truy tố, xét xử và chính KSV đó ngồi ghế công tố luận tội, buộc tội và đề nghị mức án cụ thể; Hội đồng xét xử phải căn cứ vào đó để tính toán, cân nhắc, nếu thoát ly khỏi đề nghị của VKS thì bản án sẽ bị kháng nghị, việc này tồn tại nhiều năm, ảnh hưởng rất nhiều đến tính độc lập của Thẩm phán và Hội đồng xét xử.
Hơn nữa, KSV ngồi ghế công tố đang thực hiện hoạt động tư pháp lại là đối tượng của kiểm sát hoạt động tư pháp. Vì vậy, “cần phải thay đổi lại căn bản bởi đây là hai chức năng phải hoàn toàn độc lập và tách biệt nhau, kể cả KSV ngồi ghế công tố cũng phải chịu sự kiểm sát hoạt động tư pháp, vì bản thân cũng đang thực hiện hoạt động tư pháp”, ĐB Ánh nhấn mạnh.