Chiều 11/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, UB Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 33 với việc cho ý kiến vào dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Cho ý kiến tại phiên họp, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cần thiết ban hành luật và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, khoa học của cơ quan soạn thảo và hồ sơ dự luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý vào nhiều vấn đề cụ thể để hoàn thiện dự án luật, đặc biệt là vấn đề đánh giá tác động về chính sách và vấn đề huy động lực lượng dự bị động viên trong các doanh nghiệp.
Cũng tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Toàn cảnh phiên họp
Theo đó, Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên được UBTVQH thông qua ngày 27/8/1996, có hiệu lực từ 9/9/1996. Sau hơn 20 năm thực hiện, pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV, như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra, trong đó nêu rõ sự nhất trí của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên như tờ trình đã nêu; đồng thời cho rằng, việc ban hành luật là để thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết nâng pháp lệnh lên thành luật; đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dự án luật một cách công phu, đầy đủ, khoa học của cơ quan soạn thảo; cho rằng hồ sơ dự án đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện dự án luật, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, trong đó có các quy định liên quan đến chế độ, chính sách cho việc thực hiện Luật Lực lượng dự bị động viên sau khi được ban hành.
Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự đồng tình với việc khi đã xây dựng lực lượng dự bị động viên thì phải có chế độ, chính sách, phụ cấp, nhưng phải rất chặt chẽ. Cho rằng, con số làm tăng ngân sách 545 tỷ đồng/năm như đánh giá tác động theo tờ trình của Chính phủ là rất khiêm tốn, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, số tiền ấy có bảo đảm đủ cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ hay không, bởi có rất nhiều nội dung cần thực hiện như duy trì doanh trại, công tác huấn luyện, trang thiết bị, vũ khí, khí tài, dự phòng… Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, rõ ràng hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị tính toán kỹ hơn, bởi con số 545 tỷ đồng/năm “là hơi khiêm tốn”. Về chế độ trợ cấp với gia đình quân nhân dự bị trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đồng tình rằng quy định này là cần thiết, bởi người thuộc diện huy động vào lực lượng dự bị động viên thường là lao động chính, trụ cột và mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, nếu không có chế độ trợ cấp thì gia đình họ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị cân nhắc việc trợ cấp với gia đình quân nhân dự bị đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bởi lực lượng này khi đi thực hiện nghĩa vụ dự bị động viên cũng là thực hiện nhiệm vụ nên vẫn được hưởng lương đầy đủ. Nên tập trung nguồn lực để chi trả chế độ trợ cấp với gia đình quân nhân dự bị không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước để bảo đảm mức trợ cấp không bị phân tán, đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của gia đình họ.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhất trí cần phải có chế độ trợ cấp với gia đình quân nhân dự bị trong thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ như phân tích của Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải.
Cùng với đó, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cân nhắc, việc quy định như vậy có thể sinh ra tâm lý huy động cái gì cũng thành cơ chế thị trường, trong khi bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng.
Cũng tại cuộc họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm, theo quy định, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết, doanh nghiệp tư nhân… Vậy, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên ở đây như thế nào? Chủ thể nào sẽ đứng ra làm việc với các doanh nghiệp để huy động lực lượng dự bị động viên từ lực lượng lao động của họ?.
Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH Trần Văn Túy đề nghị quy định rõ hơn chế độ khi huy động lực lượng dự bị động viên từ doanh nghiệp bởi e ngại sẽ khó thực hiện, nhất là trong bối cảnh người lao động sau khi được doanh nghiệp đồng ý cho đi thực hiện nghĩa vụ dự bị động viên về có thể bị mất việc.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp được thực hiện theo dây chuyền, không thể thiếu một vị trí lao động, các doanh nghiệp thường không có lực lượng lao động dự bị, nên khi người lao động trong các doanh nghiệp được huy động đi thực hiện nhiệm vụ dự bị động viên, các doanh nghiệp sẽ phải tìm lao động mới để bảo đảm dây chuyền sản xuất không bị đình trệ. Bởi thế, người lao động có khi được đồng ý cho đi thực hiện nhiệm vụ dự bị động viên, nhưng khi về có thể sẽ bị mất việc làm do đã có người thay thế. Từ phân tích đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định rõ trong dự luật về nghĩa vụ bắt buộc phải bố trí lại công việc cho người lao động của doanh nghiệp sau khi họ thực hiện nghĩa vụ dự bị động viên trở về.