Cần làm rõ tính chất đặc trưng của đặc xá so với chính sách khoan hồng khác

Ngọc Mai| 29/05/2018 20:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, bảo đảm ý nghĩa đặc ân Nhà nước đối với người phạm tội", ĐBQH nêu ý kiến tại buổi thảo luận chiều 29/5.

Cần làm rõ tính chất đặc trưng của đặc xá so với chính sách khoan hồng khác

Thảo luận tổ An Giang, Quảng Trị, Phú Yên, Lào Cai chiều 29/5 

Chiều 29/5, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Xác định địa vị pháp lý của cảnh sát biển, tránh chồng chéo chức năng

Đối với dự án Luật Cảnh sát biển, các đại biểu nhất trí việc ban hành luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo các đại biểu, dự án luật được nâng lên từ Pháp lệnh Cảnh sát biển nhưng có sự bổ sung đáng kể về nội dung, bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, kể cả các văn bản dưới luật để quy định bao quát, toàn diện, đầy đủ hơn.

So với pháp lệnh hiện hành, vị trí, chức năng của Cảnh sát biển có sự bổ sung, thay đổi đáng kể. Cơ bản các ý kiến phát biểu đều tán thành việc xác định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang. 

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho biết, dự thảo Luật chưa làm rõ vai trò, vị trí và chức năng của cảnh sát biển nhằm bảo đảm có những chính sách vượt trội cho lực lượng này. Đại biểu  Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát lại Hiến pháp, Luật Quốc phòng, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật An ninh quốc gia, Luật Thủy sản và các luật có liên quan để xác định địa vị pháp lý của cảnh sát biển, tránh chồng chéo vị trí chức năng với các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ trên biển.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) bổ sung, dự thảo Luật đã giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam, vì vậy cần làm rõ cảnh sát biển Việt Nam tương đương với cấp nào, để có chính sách, cơ chế cho phù hợp.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề nghị Luật Cảnh sát biển cần quy định rõ về phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với Bộ đội biên phòng, Hải quân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, địa phương.

Lấy dẫn chứng tại Bình Thuận thời gian qua công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng với lực lượng Cảnh sát biển còn nhiều hạn chế, đại biểu Cảnh phân tích, khi xảy ra sự cố trên biển, cần huy động tàu bè, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn thì cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp của Cảnh sát biển với Ủy ban Nhân dân các địa phương, các lực lượng trên biển khác để thực hiện tốt nhiệm vụ chung.

"Tuy rằng quy định về quản lý nhà nước đã quy định về chức năng phối hợp, quy nhiên, Luật Cảnh sát biển cần quy định cụ thể hơn để triển khai thống nhất trên thực tiễn" - đại biểu Cảnh kiến nghị.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát biển bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Làm rõ tính chất đặc trưng của đặc xá với chính sách khoan hồng khác

Thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đặc xá, nhiều ĐBQH cho biết, dự án Luật thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội nêu rõ, các quy định về đặc xá chưa có nhiều khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là: thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá.

Đáng lưu ý, các  đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) cho rằng, Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu không sửa đổi cơ bản về điều kiện đặc xá mà áp dụng song song hai chế định này thì dẫn tới trùng lặp về chính sách.

Về điều kiện đặc xá, nhiều đại biểu cho rằng điểm hạn chế lớn nhất trong thời gian qua là điều kiện về đặc xá có diện quy định rộng dẫn đến số lượng người được đặc xá mỗi đợt lớn, làm giảm đi ý nghĩa đặc ân của Nhà nước đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt như đặc xá; ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của các bản án mà các cấp Tòa án đã cân nhắc rất kỹ để đưa ra hình phạt.

Đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) đề nghị, Ban soạn thảo cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua, bảo đảm ý nghĩa đặc ân của Nhà nước đối với người được đặc xá.

Có ý kiến đề nghị, để đặc xá thực sự giúp người tù hoàn lương, thể hiện được ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, dự thảo Luật cần có quy định nâng cao trách nhiệm của người được đặc xá, chống mặc cảm, kỳ thị, phân biệt đối xử với người được đặc xá, có chính sách hướng nghiệp, dạy nghề để người được đặc xá có điều kiện được hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Bởi lẽ, đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị quy định chi tiết về sự kiện trọng đại của đất nước. Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật "sự kiện trọng đại của đất nước" là những sự kiện gì để đảm bảo sự minh bạch, hiểu và áp dụng thống nhất trên thực tiễn.

"Sự kiện trọng đại của đất nước cần phải ghi ngay trong Luật chứ không nên quy định trong các văn bản hướng dẫn, văn bản dưới luật. Tôi đề nghị ghi rõ thời điểm đặc xá vào ngày Quốc khánh mùng 2/9 hoặc Tết nguyên đán... Quy định như vậy mới đảm bảo tính thống nhất", đại biểu Hoa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ tính chất đặc trưng của đặc xá so với chính sách khoan hồng khác