Cải cách thể chế phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay

Mai Thoa| 01/01/2016 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong giai đoạn hiện nay, cơ chế điều hành, quản lý của Nhà nước là hết sức quan trọng. Quốc hội là cơ quan quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Chính phủ.

Vì vậy, bên cạnh việc quyết định những chỉ tiêu mang tính cưỡng chế theo hiệu lực pháp luật, cũng cần đề ra những chỉ tiêu mang tính chất khuyến nghị đối với Chính phủ trong công tác điều hành.

Cải cách thể chế phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 

Cơ chế vận hành nền kinh tế

Ngày nay trên thế giới không còn một nền kinh tế nào được gọi là nền kinh tế tự do hoàn toàn, mà tất cả các nền kinh tế dù ở mức độ khác nhau đều có sự can thiệp của Nhà nước vào sự vận hành của thị trường. Để thực hiện chức năng của mình, Nhà nước phải xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh các hành vi diễn ra trong đời sống kinh tế nhằm tạo ra một trật tự cho các chủ thể tham gia hay nói cách khác đó là hệ thống pháp luật về kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm định hướng cho sự hoạt động của thị trường và làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách kinh tế.

Thể chế kinh tế thị trường của nước ta có điểm chung của mọi nền kinh tế thị trường, nhưng có điểm riêng biệt phù hợp với thể chế chính trị và tính đặc thù của nền kinh tế đất nước. Việc thiết lập chiến lược, kế hoạch sử dụng các chính sách và công cụ phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước thường tập trung vào mục tiêu kinh tế vĩ mô. Cụ thể là tập trung  vào các mục tiêu chính như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế phản ánh qua tốc độ tăng trưởng GDP, kiểm soát giá cả thông qua CPI, tạo việc làm, kiểm soát thất nghiệp trong xã hội và tăng xuất khẩu. Và, để thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế thì việc quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế là điều hết sức quan trọng.

ĐBQH Trần Du Lịch, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nhận định: Cơ quan lập pháp là Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội đều quy định rõ quyền và nghĩa vụ của Quốc hội là: “Quyết định kế hoạch kinh tế - xã hội của đất nước”.

Cải cách thể chế phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay

Dệt may là ngành xuất khẩu mũi nhọn

Trên thực tế, hoạt động của Quốc hội nước ta đều quyết định nhiều chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm dưới hình thức một Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời điều chỉnh những mục tiêu và nội dung đó khi cần thiết cũng dưới hình thức nghị quyết của Quốc hội. Trong nhiều năm qua, trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của nước ta đều tập trung vào 3 nhóm mục tiêu là: Tăng trưởng kinh tế; tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Hàng năm, Quốc hội cũng ban hành các Nghị quyết phê chuẩn dựa trên 3 nhóm mục tiêu đó với những chỉ tiêu cụ thể cho từng nhóm; đặc biệt là các Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu kinh tế - xã hội hàng năm. Trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dù ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn đều chứa đựng cả nội dung định lượng lẫn định tính; tức là bao gồm cả về số lượng và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, khi xem xét những chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội quyết định thường chỉ mới phản ánh vấn đề ở khía cạnh số lượng, nhưng chưa phản ánh chất lượng của sự phát triển. Do đó, việc lựa chọn và định ra những chỉ tiêu mà Quốc hội cần quyết định phản ánh được chất lượng của sự phát triển chính là vấn đề trọng tâm cần phải nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, nhược điểm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm qua là thường nặng về sự áp đặt mục tiêu mang ý muốn chủ quan hơn là một bản kế hoạch để quan đó dẫn dắt các chủ thể của nền kinh tế hoạt động theo định hướng của Nhà nước. Trên thực tế dường như các mục tiêu, kế hoạch mà Chính phủ trình ra Quốc hội mới phản ánh được khía cạnh “phải làm gì” mà chưa phản ánh được các nội dung quan trọng hơn là “làm thế nào” và “ai làm”. Do đó, thực tế giữa mục tiêu, kế hoạch và chính sách kinh tế không gắn liền với nhau. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên là phải đổi mới căn bản công tác lập kế hoạch trong đó bao gồm các khâu như công tác phân tích, dự báo; tách biệt giữa mục tiêu và phương tiện thực hiện; nhất là gắn các mục tiêu với các nhóm chính sách điều chỉnh vĩ mô.

Nên tăng chỉ tiêu mang tính khuyến nghị

Đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển nền kinh tế là vấn đề đầu tiên cần thực thi để nâng cao vai trò và chức năng của Nhà nước trong quản lý kinh tế vĩ mô và qua đó xác định các nội dung và thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với thẩm quyền của mình, Quốc hội chỉ quyết định những nội dung mang tính cưỡng chế theo hiệu lực pháp luật. Đối với những kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, Quốc hội chỉ cần quyết định các chỉ tiêu liên quan đến các chỉ số phát triển con người (HDI), vì đó là mục tiêu cuối cùng đánh giá trình độ phát triển và rất gần gũi với đặc điểm của nền kinh tế XHCN. Bên cạnh việc quyết định những chỉ tiêu mang tính cưỡng chế theo hiệu lực pháp luật, cũng cần đề ra những chỉ tiêu mang tính chất khuyến nghị đối với Chính phủ trong công tác điều hành. Để phù hợp với tính linh hoạt của thị trường, nên giảm bớt những chỉ tiêu mang tính pháp lệnh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế mà tăng những chỉ tiêu mang tính khuyến nghị nhằm định hướng cho sự điều hành của Chính phủ cũng như định hướng hoạt động của toàn xã hội. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế, những chỉ tiêu như chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng xuất nhập khẩu; huy động vốn đầu tư đạt bao nhiêu phần trăm GDP… nên xem là những chỉ tiêu mang tính khuyến nghị. Bên cạnh đó, đưa chỉ tiêu tăng xuất khẩu ròng cho mỗi kế hoạch 5 năm nhằm ràng buộc nhiệm vụ của Chính phủ trong công tác điều hành nền kinh tế. Đối với kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu Quốc hội quyết định các định hướng liên quan đến chất lượng của sự phát triển; các chỉ tiêu cần thiết để xác định các bước tiến bộ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - tính chất của sự phát triển bền vững. Còn đối với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm nên hạn chế  bớt các chỉ tiêu mang tính pháp lệnh mà nên tập trung vào việc quyết định những chính sách kinh tế trong năm.

Cải cách thể chế phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay

Công nhân ngành dầu khí 

Để Quốc hội có thể quyết định những nội dung của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm phù hợp với quyền hạn và nhiệm vụ của Quốc hội cần phải thay đổi quy trình xem xét và ra quyết định về vấn đề này. Đó là thay đổi nội dung báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trước Quốc hội, chuyển từ tính chất mô tả kết quả sang phân tích các mối quan hệ bên trong đưa đến những kết quả đó. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế cần phải có báo cáo phân tích các yếu tố cấu thành tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế; các chính sách thực thi tác động đến các yếu tố đó. Gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với chính sách, công cụ thực thi. Vừa qua trong các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm đều có nêu các chính sách và giải pháp.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chính sách và giải pháp không được triển khai và cũng chưa làm rõ được mối quan hệ của các chính sách và giải pháp đó với các mục tiêu kinh tế - xã hội đã quyết định. Để giải quyết các tồn tại này, Quốc hội cần quyết định các mục tiêu kinh tế - xã hội hàng năm gắn liền với việc quyết định nội dung các chính sách và giải pháp thuộc thẩm quyền Quốc hội. Đồng thời, gắn quyết định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm với quyết định phân bổ ngân sách Nhà nước. Đổi mới bản thân các Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo tính cưỡng chế của pháp luật, nhưng cũng tránh sự trói buộc cứng nhắc để hạn chế tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ. Do đó, trong Nghị quyết luôn luôn có phần khuyến nghị, không mang tính cưỡng chế, nhưng có ý nghĩa như những tín hiệu được phát ra từ cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đối với xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách thể chế phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay