Đại lễ đã thu hút hàng trăm tăng ni, phật tử cùng thành tâm chí kính hướng về cội nguồn dân tộc, tiên tổ.
Vào mỗi dịp lễ Vu lan, Rằm tháng 7 hàng năm, các hoạt động về văn hóa, tâm linh lại diễn ra trên khắp cả nước. Đây là lúc gợi nhắc lại một trong những đạo lý lớn nhất của con người là đạo Hiếu. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân – Thiện – Mỹ và về với đạo của người làm con.
Tối qua (6/8), tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình), Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức “Đại lễ Vu lan báo hiếu”. Buổi lễ đã thu hút hàng trăm tăng ni, phật tử trong vùng cũng như đông đảo phật tử Hà Nội có mặt.
Đêm lễ tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng đã diễn ra các nghi thức tâm linh như lễ tiếp linh, lễ cúng phật – quy vong, lễ tụng kinh cầu siêu, lễ cấp mã cho vong, cúng thí thực cô hồn, niệm phật cầu gia bị, dâng y cúng dàng chư tăng,..và đặc biệt là nghi lễ “bông hồng cài áo”.
Những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đoá hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên, vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý. Còn đoá hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ.
Tại buổi lễ, lời cảm niệm về cha mẹ và hình ảnh cài hoa hồng đã làm đại chúng xúc động khi nghĩ về mẹ cha và đâu đó những giọt nước mắt hối hận khi nhớ lại những lỗi lầm mình đã gây ra khiến cha mẹ phải buồn lòng, phiền muộn.
Lễ Vu lan, không chỉ dành riêng cho người con Phật mà đã trở thành ngày lễ văn hóa tình người của dân tộc. Lễ cài hoa hồng được xem là một phần nghi thức quan trọng, bởi lẽ đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, khơi gợi tình mẫu tử thiêng liêng khi được cài lên ngực những đóa hồng tươi thắm trong ngày Vu lan báo hiếu.
Cùng đó là nghi thức thả đèn hoa đăng cầu siêu độ vong linh nhằm thắp sáng những giá trị tinh thần, cầu nguyện cho quốc thái dân an, gia đình an tọa,… ngoài ra, việc thả đèn hoa đăng lên dòng nước còn được hiểu rằng, những vong nhân đã khuất sẽ theo những ánh sáng ấm áp mà bỏ đi những oan khiên thù hận, bước theo con đường giải thoát khổ đau.
Chương trình mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý uống nước nhớ nguồn, với tiên tổ.
Từ rất sớm, người dân thập phương đã đến chùa Kim Sơn Lạc Hồng, tỉnh Hòa Bình để cầu an cho bản thân, gia đình và cầu siêu, phù độ cho các thân nhân đang an nghỉ tại Lạc Hồng Viên
Hàng trăm tăng ni, phật tử đã xúc động, trang nghiêm thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật
Lễ Vu lan, không chỉ dành riêng cho người con Phật mà đã trở thành ngày lễ văn hóa tình người của dân tộc
Khi nghĩ về mẹ cha, đâu đó những giọt nước mắt đã rơi
Trong nghi lễ “bông hồng cài áo”, mỗi màu của bông hồng lại mang một ý nghĩa riêng
Dường như ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng mà gần gũi khi được đón nhận bông hồng, nâng niu, cẩn trọng cài lên ngực
Nghi lễ "bông hồng cài áo" được thực hiện trang nghiêm
Những ai còn cha, còn mẹ sẽ được cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ
Rất nhiều người, dù già hay trẻ đều tham gia nghi lễ "Bông hồng cài áo"
Mỗi người đều cầm trên tay 1 đèn hoa đăng để tham gia nghi lễ thả đèn
Việc thả đèn hoa đăng lên dòng nước còn được hiểu rằng, những vong nhân đã khuất sẽ theo những ánh sáng ấm áp mà bỏ đi những oan khiên thù hận, bước theo con đường giải thoát khổ đau
Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc
Dòng suối bao quanh chùa Kim Sơn Lạc Hồng lung linh với rất nhiều đèn hoa đăng được thả xuống
Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất.