Hàm răng giả kẹt 2 năm trong đường thở của người đàn ông

Chí Tâm| 08/08/2017 13:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin từ BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, vừa gắp thành công dị vật là một phần hàm răng giả cho một bệnh nhân nam.

Đó là trường hợp bệnh nhân L.T.Đ. (39 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM). Vào khoảng tháng 10/2015, anh Đ. bị tai nạn giao thông, ngất xỉu tại chỗ và được chuyển đến một bệnh viện gần đó. Kết quả xét nghiệm không thấy bất thường nên các bác sĩ đã cho anh về.

Sau đó, anh Đ. bắt đầu thấy khó thở nhưng lại nghĩ là do chấn thương sau tai nạn. Càng ngày tình trạng khó thở càng nặng, có những buổi sáng thức dậy anh nói không ra tiếng. Gần đây các triệu chứng ngày càng trầm trọng, nhiều đêm phải ngồi dậy mới thở được, anh đến khám tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM.

ThS.BS Nguyễn Quang Tú - BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, khi bác sĩ thực hiện nội soi đã phát hiện một dị vật mắc kẹt ngay đường thở. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết khi tai nạn có mất răng giả nhưng nghĩ là đã văng ra ngoài.

Hàm răng giả kẹt 2 năm trong đường thở của người đàn ông

Sau ca nội soi, bệnh nhân không gặp bất kỳ một biến chứng nào như tràn khí hay chảy máu. Ảnh: Phú Mỹ

Sau khi đánh giá bệnh lý, ekip cấp cứu thực hiện phương pháp gây mê không đặt nội khí quản và đồng thời gắp dị vật ra ngoài. Sau 20 phút, dị vật được gắp ra là một bản nhựa hình tam giác cong kích thước 2x4cm. Đây là một phần hàm răng giả (nướu giả) của bệnh nhân bị rơi ra sau chấn thương của tai nạn và lọt vào đúng đường thở.

Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, có thể trò chuyện, bình thường. Anh Đ. không còn cảm giác thở dốc mỗi khi nằm ngủ như trước kia.

Bác sĩ Tú cho biết, theo thời gian, dị vật đã kích thích hình thành các mô hạt gây viêm xung quanh làm đường thở ngày càng hẹp, để lâu bệnh nhân có thể đột tử.

Theo BS Võ Quang Phúc - Phó Giám đốc chuyên môn của BV, thời gian qua, BV cũng hay tiếp nhận những trường hợp hóc răng giả, nhưng đây là một ca hy hữu hiếm gặp vì hàm răng giả rơi vào đường thở và bị “bỏ quên” trong một thời gian khá dài.

Bác sĩ khuyến cáo, mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi khi sử dụng răng giả phải cẩn trọng khi ăn uống, cười nói. Nếu có dấu hiệu khó thở, thở dốc, khàn tiếng kéo dài nên đến các bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàm răng giả kẹt 2 năm trong đường thở của người đàn ông