Những ngày gần đây, sự việc 2 cô giáo mầm non tại Hà Nội có hành vi bạo hành với trẻ đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Thực trạng chất lượng giáo viên mầm non
Đây không phải là lần đầu tiên sự việc này xảy ra nhưng câu chuyện một lần nữa lại đặt ra vấn đề đạo đức và tình yêu của những người làm nghề trông trẻ.
Trường hợp 2 cô giáo mầm non cầm dép đánh vào đầu trẻ, xịt vòi nước lạnh vào người trẻ từ 1 – 3 tuổi tại Hà Nội trong những ngày qua đang gây phẫn nộ trong dư luận. Phụ huynh bức xúc, chính quyền vào cuộc, các cơ quan chức năng đã kịp thời có những hành động chấn chỉnh. Hà Nội ngay lập tức sẽ thực hiện tổng kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non như chỉ đạo của Bộ trước đó.
Tất cả những hành động này của Hà Nội và Bộ GD&ĐT là kịp thời và cần thiết, những hành vi phản giáo dục cần phải được xử lý nghiêm khắc để trấn an dư luận. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được giải quyết từ gốc, không phải cứ đến khi sự việc xảy ra mới được xử lý.
Nhóm trẻ gia đình được tận dụng nhà kho làm phòng học tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng
Hiện nay các nhóm trẻ gia đình, các trường mầm non tư thục trong cả nước mọc lên như nấm. Các cơ sở giáo dục này có nơi được cấp phép, có nơi thậm chí chưa được cấp phép nhưng vẫn tồn tại song hành và mặc nhiên được thừa nhận mà ngành giáo dục chưa có phương án để loại bỏ. Bởi xét cho cùng, hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội, ngay lập tức những loại hình giáo dục khác sẽ tồn tại và có cơ hội phát triển.
Thực tế, có những nhóm trẻ gia đình không chỉ ở thành phố mà ở vùng nông thôn, học sinh được học trong một môi trường rất nguy hiểm. Có nơi, học sinh được học trong nhà kho, chỉ có một phụ nữ trung niên không có trình độ sư phạm đứng lớp khoảng 20- 30 cháu. Chính quyền địa phương biết việc này, phòng giáo dục sở tại cũng biết nhưng họ không có cách nào xóa bỏ.
Một số địa phương được phòng giáo dục tổ chức tập huấn về mặt chuyên môn nghiệp vụ cho các lớp mầm non gia đình, song đôi lúc các chủ lớp cũng chả cần đến học. Và…phụ huynh vì điều kiện kinh tế, về quy chế tuyển sinh của các trường công lập mà vẫn phải gửi con trong những môi trường không an toàn như vậy. Đó là một thực tế đáng buồn đã và đang tồn tại, rải rác trên khắp cả nước ta. Một bài toán mà ngành giáo dục chưa có giải pháp để tháo gỡ.
Tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên đang diễn ra phổ biến. Theo báo cáo của Cục nhà giáo và Quản lý cán bộ Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước đang thiếu 32.641 giáo viên mầm non. Đây là diện giáo viên trong hệ thống công lập, chưa tính đến những giáo viên ngoài công lập, giáo viên tham gia đứng lớp ở các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình…
Đã có rất nhiều nguyên nhân khi để xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng đã có kế hoạch luân chuyển giáo viên THPT, giáo viên THCS xuống dạy tiểu học và mầm non…tuy nhiên giáo dục mầm non là một lĩnh vực đặc thù. Việc luân chuyển này chưa chắc đã phù hợp.
Ở các nước tiên tiến trên thế giới như ở Pháp, giáo viên mầm non phải hoàn thành chương trình đào tạo và trải qua các kỳ thi nghiêm ngặt như giáo viên ở mọi cấp độ. Họ được xem như các chuyên gia và hưởng cùng mức lương, địa vị, uy tín, đồng thời cơ hội phát triển nghề nghiệp luôn rộng mở. Nhà giáo dục Mỹ Karen Scott Hill sau chuyến tham quan trường học Pháp từ năm 1999 rất ấn tượng với quá trình tuyển dụng này: "Sự nhấn mạnh vào chất lượng giáo viên là trụ cột của hệ thống mầm non chất lượng ở Pháp".
Hay ở Nhật Bản: “Để trở thành giáo viên mầm non, ứng viên cần có một trong ba loại giấy phép giảng dạy. Các khóa học liên quan đến giảng dạy mầm non thường bao gồm cả nội dung như tâm lý giáo dục, triết lý giáo dục, piano, phương pháp dạy học nghệ thuật và giáo dục thể chất.
Trong khi đó, một người muốn hành nghề trông trẻ cần tốt nghiệp từ một trường dạy nghề được chính phủ công nhận hoặc vượt qua một kỳ thi quốc gia.
Ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đối với hệ thống các trường sư phạm, đặc biệt là giáo viên mầm non. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được thực trạng giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non vừa yếu, vừa thiếu.
Cần ban hành những bộ quy tắc ứng xử đối với giáo viên mầm non
Thuật ngữ Nuôi dạy trẻ cho thấy, trong lứa tuổi mầm non, yếu tố nuôi là quan trọng, dạy là thứ yếu. Để nuôi trẻ tốt, giáo viên, người trông trẻ phải có kiến thức về dinh dưỡng, phải xây dựng chế độ ăn hợp lý, phải thương yêu, chăm sóc và dành tình yêu thương đặc biệt cho trẻ để các em cảm nhận được những tình cảm chân thành, sự chăm sóc tận tâm trong sự phát triển đầu đời.
Các nhà nghiên cứu nhi khoa đã chỉ ra rằng, giai đoạn từ 1 – 3 tuổi là giai đoạn vàng trong việc phát triển trí não của trẻ. Những hành động của người trông trẻ, người chăm sóc trẻ hay giáo viên mầm non có ảnh hưởng rất lớn theo hướng tích cực hoặc tiêu cực đến trẻ. Những ảnh hưởng này mang tính chất lâu dài và bền bỉ bởi nó là những cảm nhận đầu đời trong quá trình phát triển của một đứa trẻ.
Chính vì vậy, sự yêu thương, chăm sóc của những người trông trẻ bên cạnh cha mẹ chúng là những điều vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ em.
Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước phát triển, giáo viên mầm non phải trải qua các kỳ kiểm tra nghiêm ngặt, phải trải qua các khóa huấn luyện về kỹ năng chăm sóc trẻ, đó chính là nền móng để nuôi dưỡng một thế hệ.
Quay trở lại sự việc giáo viên mầm non bạo hành với trẻ ngay tại Hà Nội, trung tâm của cả nước – đây là một hành động không thể chấp nhận được. Đồng ý rằng, mỗi giáo viên cũng chịu nhiều áp lực, công việc trông trẻ cũng không phải là dễ dàng. Tuy nhiên, đã chấp nhận theo nghề thì trên hết những kiến thức, bằng cấp…phải là tình yêu trẻ nhỏ.
Nếu như chúng ta ươm những hạt giống yêu thương thì chúng ta sẽ nhận lại những trái ngọt. Hành động của các cô, đã làm tổn thương lên trí não của những đứa trẻ vô tội. Cuộc sống sẽ trở nên “là một màu xám” khi ngay từ lứa tuổi nhũ nhi, chúng đã phải chứng kiến những hành động bạo lực, những hành xử không đúng. Chính điều này đã tạo nên một hệ quả không mấy tốt đẹp về sau. Đó mới là điều xã hội cần phải nhìn nhận và đấu tranh.
Các cô giáo cũng cần phải nhìn lại chính bản thân mình, nếu như không có tình yêu với trẻ, nếu như không chấp nhận được những hi sinh khi chăm sóc trẻ nhỏ, các cô nên chuyển sang một nghề khác để nhường chỗ cho những người yêu trẻ đảm nhiệm công việc này. Bởi không nên để những người mang tư tưởng bạo hành vào trong việc nuôi dạy trẻ.
Bộ GD&ĐT cũng cần ban hành những bộ quy tắc ứng xử trong trường học, đặc biệt là giáo viên mầm non để siết chặt hơn nữa khâu quản lý và giải quyết những vấn đề khó khăn đang tồn tại.