Nhiều hộ dân nuôi ngao giống, ngao thịt tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản vì hàng trăm hecta (ha) ngao bỗng dưng chết trắng bãi.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, khu vực bãi nuôi ngao thịt, ngao giống ở cửa biển thuộc xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bỗng dưng chết trắng bãi, không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, toàn bộ số ngao này chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch.
Hàng trăm hecta ngao của người dân bỗng dưng chết bất thường
Ông Phạm Văn Quý, trú thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc, cho biết: “Nhà tôi nuôi 6ha ngao giống và ngao thịt. Cách đây khoảng 10 ngày, khi ra đồng thăm ngao, tôi phát hiện có hiện tượng ngao bị chết. Những ngày sau đó, hiện tượng này ngày càng gia tăng và cuối cùng là chết hàng loạt, trắng bãi, khiến chúng tôi thiệt hại nhiều tỷ đồng”.
Không những thế, ông Quý cũng như những hộ dân ở đây mỗi còn ngày phải thuê hàng chục nhân công đi nhặt vỏ ngao chết, dọn đầm với chi phí hàng chục triệu đồng.
Đồng cảnh ngộ với ông Quý, ông Phạm Quang Minh, trú thôn Tân Lộc (Hải Lộc) cho biết: “Nhà tôi có 2ha cả ngao giống và ngao thịt sắp đến thời kỳ thu hoạch, nhưng bây giờ ngao chết, trắng tay, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”. Gia đình anh Đoàn Văn Lộc cũng có 2ha ngao giống và ngao thịt bị chết. Tổng sản lượng hơn 100 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.
Không chỉ thiệt hại nặng nề về ngao chết, hàng ngày người dân còn phải bỏ ra chi phí hàng chục triệu đồng để thu dọn vỏ ngao
Với mong muốn mưu sinh và có thêm thu nhập, phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình ở Hải Lộc đã mang sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng để vay vốn đầu tư vào nuôi ngao. Thế nhưng hiện nay, ngao bỗng dưng chết trắng bãi khiến nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần. Khu vực nuôi ngao ở giáp Lạch Trường và giáp biển đều bị thiệt hại. Nhà ít thì 1ha, nhà nhiều 5 - 6ha, với tổng sản lượng hàng nghìn tấn. Trong đó, nhiều hộ ngao nuôi bị chết từ 50-70%, hàng chục hộ bị chết 100% mà không rõ nguyên nhân, khiến người dân vô cùng hoang mang.
Bà Nguyễn Thị Hương than thở: “Vụ vừa qua, gia đình tôi mua ngao giống và bơm cát lên bãi hết 350 triệu đồng, bây giờ ngao chết, coi như trắng tay. Sổ đỏ thì gia đình đã thế chấp ở ngân hàng để vay vốn đầu tư vào vụ ngao trước rồi, giờ không biết lấy tiền đâu để xuống giống vụ mới nữa”.
Người dân đang lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí có nguy cơ phá sản vì ngao chết hàng loạt
Không chỉ nhà bà Hương mà gia đình anh Đoàn Văn Lộc cũng vay ngân hàng số tiền 600 đến 700 triệu đồng để đầu tư vào nuôi ngao, nhưng đến nay cũng mất trắng, khiến gia đình anh lâm vào cảnh nợ nần.
Ông Nguyễn Quốc Tý, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) xác nhận sự việc ngao chết tại địa phương và cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 171 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 170ha. Trong đó, có nhiều hộ ngao bị chết 100%, có hộ ngao chết 60 - 70%. Hàng ngày, chúng tôi thống kê mức độ thiệt hại do ngao bị chết, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng về để lấy mẫu nước, mẫu ngao đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc ngao chết hàng loạt”.
Đây được xem như đợt ngao chết gây thiệt hại nặng nhất trong 1 thập kỷ qua
Được biết vào các năm trước tại xã Hải Lộc cũng đã xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, tuy nhiên mức độ nhẹ hơn, tình trạng hao hụt chỉ rơi vào khoảng 20% -30% vụ. Nhưng vài năm trở lại đây, môi trường bị ô nhiễm nặng hơn, lượng ngao chết có nhiều biến động nhưng chưa có năm nào thiệt hại như năm nay.
Trước đó tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, người nuôi ngao giống ở vùng bãi triều ven biển tại đây cũng đứng ngồi không yên vì bị đàn sinh vật lạ tấn công ăn sạch hàng chục ha ngao giống. Nhiều người dân cho biết, đàn sâu từ đâu đến xuất hiện dày đặc, chúng chui xuống bãi cát bùn sau đó ăn hết ngao. Loài sâu này nuốt cả con ngao vào bụng, hút hết nước sau đó thải vỏ ngao ra ngoài. Hàng chục ha ngao giống với số tiền hàng tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn đã bị ăn sạch khiến nhiều hộ dân trắng tay.
Sau đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã xác định, loài sinh vật ăn sạch hàng chục ha ngao giống của người dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là một loại rết biển (hay sâu biển) thuộc ngành giun đốt, lớp giun nhiều tơ.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình khuyến cáo, các hộ nuôi không thả giống ngao cỡ nhỏ (<500-800 con/kg) mà nên thả ngao giống có kích thước lớn để tránh bị rết biển ăn thịt. Người dân cần chủ động tích cực diệt rết bằng các biện pháp thủ công như dùng lưới đăng để bắt, diệt trừ; thắp điện sáng để kích thích dẫn dụ rết nổi lên mặt nước tập trung ở một điểm sau đó dùng vợt bắt. Nghiêm cấm sử dụng hóa chất diệt rết sẽ gây nguy hại đến ngao cũng như môi trường biển. Khi điều kiện phù hợp, người dân hãy nên thả giống lại bình thường.