Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu là một câu chuyện dài không hồi kết mà thường là những mâu thuẫn nhiều hơn là đồng cảm, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nếp nhà thường dậy sóng.
Tuy nhiên, nếu chân thành, cởi mở và sống thiện tâm, chắc chắn việc vượt qua rào cản “mẹ chồng – nàng dâu” sẽ không là quá khó.
Mẹ chồng tôi là người cực kỳ đồng bóng và nóng nảy. Bà khá khó tính và sống hơi cô lập, không thích thể hiện tình cảm hoặc thể hiện sự quan tâm đến người khác. Trước khi kết hôn tôi cũng đã được chính những người cháu ruột của bà “cảnh báo” về sự khái tính ấy.
Chính điều đó đã tạo cho tôi không ít áp lực khi về làm dâu. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm chung sống, mặc dù chưa thể cảm nhận được tình yêu thương mẹ chồng dành cho mình nhưng tôi và bà đã sống trong cùng mái nhà một cách yên ấm.
Chân thành, cởi mở, sống thiện tâm sẽ vượt qua rào cản "mẹ chồng -nàng dâu"
Chồng tôi là con trai duy nhất trong gia đình có 2 chị em, mặc dù không thích thể hiện ra bên ngoài nhưng tôi biết, mẹ chồng tôi yêu thương chồng tôi đến nhường nào. Bà thường hay nấu những món chồng tôi thích, cũng hay làm theo ý chồng tôi vô điều kiện. Bà cũng là mẫu người phụ nữ chăm sóc gia đình, lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ và gần như quyết định mọi việc lớn nhỏ trong nhà.
Tôi vì chồng mình đã từ bỏ thành phố tôi nghĩ mình đã vô cùng yêu mến, gắn bó cả quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân, ở đó tôi có bạn bè, đồng nghiệp, có những người sẵn sàng dang rộng vòng tay mỗi khi tôi khóc, đón nhận và an ủi tôi những lúc buồn. Vậy mà, vì chồng, tôi cũng đã từ bỏ công việc yêu thích để bắt đầu lại ở một thành phố lạ, không người thân, không bạn bè, không có cả những kỷ niệm…và bắt đầu với trách nhiệm làm con, làm vợ, làm mẹ.
Không còn được làm những điều mình thích, không còn được một chốc, một nhát khoác ba lô lên để đi…tôi như con ngựa hoang bắt đầu bị buộc chân, thuần phục, tôi tự ý thức được rằng chỉ có mình tôi thôi mới có thể bảo vệ được cho mình, ở đây tôi không có ai khác ngoài chồng mình để dựa vào và tôi bắt đầu lên kế hoạch để thích nghi với cuộc sống mới.
Tôi nghĩ rằng, để người khác hiểu và chia sẻ được với mình điều quan trọng nhất là phải biết nhìn xem mẹ chồng làm gì để làm theo. Tôi đã áp dụng triệt để điều đó và đã bắt đầu vượt qua được rào cản “mẹ chồng – nàng dâu” một cách êm đềm.
Những ngày mới về nhà chồng, tôi hoàn toàn bỡ ngỡ với cuộc sống mới, mẹ chồng tôi dậy từ 6h sáng để chuẩn bị bữa sáng cho chồng tôi và cả nhà. Bà thường đảm nhiệm luôn việc đi chợ và cơm nước. Sau vài ngày được mẹ chồng nấu bữa sáng cho ăn, tôi đã bắt đầu tự chuẩn bị cho cả nhà, và làm theo những việc bà vẫn làm.
Khi bắt đầu đi làm, bà trở thành “người chủ của gian bếp”. Tôi ăn tất cả những món mẹ chồng tôi nấu mà không một lời chê bai, lắng nghe tất cả những câu chuyện mẹ chồng tôi kể mà không hề bài xích, thi thoảng có những chuyện mình không thích, tôi vẫn ngồi nghe vì bà đang kể rất say mê, tất nhiên tôi nghe xong rồi sẽ quên ngay sau đó và tuyệt đối không được “buôn” với hàng xóm, bởi đó sẽ là “con dao hai lưỡi” làm cho mối quan hệ gia đình gặp trở ngại.
Vào bếp với mẹ chồng để mối quan hệ thêm gần gũi
Hàng xóm thi thoảng cũng thử lòng tôi bằng những câu như: “mẹ chồng mày khó tính lắm” hay “bà ấy đanh đá”…nhưng tôi chỉ cười trừ rồi cho qua, nhận xét hay có ý kiến là một hành động không hề thông minh bởi ngay tức khắc ý kiến của tôi sẽ được “xoay chuyển” theo chiều hướng bất lợi. Thỉnh thoảng tôi “rủ” bà đi chợ cây cảnh hoặc đi siêu thị…tất cả những việc làm đó tôi làm không phải để “nịnh” mẹ chồng tôi mà đơn giản là tôi muốn làm thế.
Khi tôi ở cữ, nhà neo người, bố chồng với chồng tôi đi làm suốt ngày, một mình mẹ chồng tôi tất bật cơm nước cho cả nhà, cơm nước cho tôi rồi đun nước tắm cho cháu. Suốt 3 tháng ở cữ, mẹ chồng tôi không cho tôi làm những việc nặng nhọc, bà dành làm hết tất cả việc nhà và tắm, giặt giũ cho cháu. Bà cũng bắt tôi ăn những món ăn lợi sữa, tốt cho phụ nữ sau sinh, mặc dù chán ngấy với chân giò hầm và thịt gà rang gừng nhưng tôi vẫn cố ăn và tôi biết bà cũng cố gắng để đổi món cho tôi đỡ chán.
Tôi cũng có những lúc không thích ăn món mẹ chồng nấu, cũng không thích bà nói nhiều hay nói những lời cay nghiệt, cũng không thích cách bà chê tôi lười, chê tôi xấu…nó chạm đến lòng tự trọng và sĩ diện của tôi nhưng tôi nghĩ đó là chuyện thường nhật. Chẳng ai ngay một lúc có thể yêu mình, thương mình được, muốn người khác yêu mình, mình phải yêu họ trước đã.
Tôi nghe mà như không nghe, ăn mà như không ăn những điều mình không thích, tôi quên ngay mọi chuyện không đáng nhớ để đón nhận cuộc sống như vốn dĩ nó phải thế. Có lẽ vì vậy mà cuộc sống làm dâu của tôi tạm coi là yên ổn. Mỗi ngày mẹ chồng tôi ở nhà trông con, cơm nước cho chúng tôi yên tâm đi làm, khi tôi về nhà con tôi sạch sẽ, ngoan ngoãn như thế đối với tôi cũng đã là hạnh phúc.
Cuộc sống, vốn dĩ đầy rẫy những xô bồ, trở ngại cuộc đời làm dâu lại càng gặp nhiều tủi hờn. Không mấy ai mà bỗng dưng được mẹ chồng yêu mình, tất cả phải từ bản thân mà ra.
Đàn bà, muốn giữ yên cửa nhà, trước hết phải biết học lấy chữ “nhẫn” và biết cái gì cần nói, cái gì không nên nói. Đàn ông dù có yêu thương mình đến nhường nào cũng đừng vin vào đó mà có những hành xử không đúng với những người trong gia đình chồng, bởi anh ta có thể bỏ vợ chứ không đời nào bỏ gia đình của mình.
Vì vậy, phụ nữ thông minh hãy cố gắng vun đắp để sau mỗi giờ làm, nhà là nơi để trở về, tràn ngập tình yêu thương. Nếu chẳng may có “bão” thì cũng đừng để cho “sóng to gió lớn” mà hãy tìm cách “dập” nó đi, có như vậy mới mong có một gia đình êm ấm.