Dịp rằm tháng 7 hàng năm, đông đảo người dân Việt Nam lại tổ chức lễ Vu Lan, lễ báo hiếu để nhắc nhở con người tìm về nguồn cội, báo hiếu đấng sinh thành.
Không chỉ là lời nhắc nhở qua lễ nghi, có những câu chuyện thật giữa đời thường về những hy sinh cao cả của cha mẹ dành cho con cái của mình khiến chúng ta phải rơi nước mắt.
Lựa chọn không hối tiếc
Đang mang thai con đầu lòng được 19 tuần cũng là lúc thiếu úy công an Đậu Thị Huyền Trâm (sinh năm 1991, TP.Hà Tĩnh) nhận được hung tin mình mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Đứng trước lựa chọn cứu mình hay để con tồn tại, người mẹ trẻ 25 tuổi quyết định nhường lại sự sống cho con, không điều trị, chấp nhận sự đau đớn dày vò của bệnh tật. Sau khi đứa con chào đời hơn chục ngày, chị đã ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Bà Phạm Thị Phái (65 tuổi, trú tại thôn Dậu Trì, Hồng Thái, Ninh Giang, Hải Dương) dạy con trai Phạm Đình Quyến (16 tuổi) mắc bệnh đao bẩm sinh biết cách tự chăm lo cuộc sống. Ảnh: M.L
Một người mẹ khác giống như chị Trâm, có quyết định lựa chọn đánh đổi đôi mắt, thậm chí tính mạng để cứu lấy sự sống cho đứa con của mình. Và điều kỳ diệu đã đến với chị Hoàng Thị Yên (sinh năm 1980, trú tại thôn Đông Lao, xã Đông La, Hoài Đức, TP.Hà Nội). Chị Yên mang thai ở tháng thứ 5 thì phát hiện mình mắc bệnh ung thư vòm họng độ 4. Để giữ con khỏe mạnh, người mẹ trẻ quyết định không uống thuốc kháng sinh cũng như tiếp nhận trị xạ. Lúc đứa con chào đời cũng là ngày chị Yên hoàn toàn không nhìn thấy gì.
Mặc dù sức khỏe chị vẫn yếu nhưng khi được hỏi về quyết định lựa chọn, chị Yên vẫn kiên quyết: “Một ngàn lần nữa vẫn làm như vậy. Mình có chết cũng quyết không bỏ con. Mình sẽ cố giữ điều tốt đẹp nhất trên cuộc đời này”. Và hạnh phúc ngọt ngào đến với gia đình nhỏ khi bé Lê Hoàng Cẩm Tú – con gái mà chị Yên chấp nhận đánh đối bằng cả mạng sống đang lớn lên khỏe mạnh từng ngày.
Sống vì con yêu
Mặc dù sức khỏe chị vẫn yếu nhưng khi được hỏi về quyết định lựa chọn, chị Hoàng Thị Yên vẫn kiên quyết: “Một ngàn lần nữa vẫn làm như vậy. Mình có chết cũng quyết không bỏ con. Mình sẽ cố giữ điều tốt đẹp nhất trên cuộc đời này”. |
Trong những ngày tháng 7, cận kề ngày lễ Vu Lan, ông Bùi Duy Khương, trú tại thôn Quang Rực (xã Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương) dành nhiều thời gian bên gia đình, đặc biệt bên người mẹ của mình.
Thắp nén hương thơm trên bàn thờ bố, ông Khương tâm sự: “Cha tôi là liệt sĩ Bùi Văn Bốn tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hy sinh sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968. Khi đó, mẹ tôi mới tròn 24 tuổi. Mình mẹ một nách nuôi nấng tôi và em trai Bùi Văn Tuyên khôn lớn nên người”.
Điều khiến ông Khương đến giờ vẫn luôn day dứt tự trách mình, vì tính ích kỷ của trẻ con mà mẹ ông mấy chục năm không dám kết hôn với người đàn ông khác. “Giá như ngày đó tôi biết suy nghĩ cho mẹ đi thêm bước nữa để về già mẹ có bạn già tâm sự đỡ buồn thì hay biết mấy” - ông Khương nghẹn lời.
Nhưng, bà Nguyễn Thị Biển (73 tuổi) – mẹ của ông Khương không bao giờ hối hận vì đã cô đơn một mình nuôi con. “Thời gian có quay trở lại tôi vẫn sẽ ở vậy vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi con khôn lớn”.
Mỗi người mỗi cảnh ngộ khác nhau, chỉ có tình mẹ dành cho con là dạt dào không thay đổi. Bà Phạm Thị Yên - mẹ của bệnh nhân Dương Tiến Dũng (24 tuổi) trú tại xã Thành Công (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) không giấu nổi niềm vui sau khi các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật thành công cho con trai bị tai nạn giao thông. Hoàn cảnh gia đình bà Yên rất khó khăn, chồng mất sớm kể từ lúc con trai được 15 tuổi, con gái được 12 tuổi. Gánh nặng gia đình chồng chất trên đôi vai gầy của người phụ nữ thiệt thòi này. Con bị tai nạn, bà phải vay mượn khắp nơi mới được 30 triệu đồng. Hơn 10 ngày trông con trong viện, bà chủ yếu sống qua ngày bằng cháo từ thiện, đồng quà tấm bánh của những nhà hảo tâm mang đến.
“Nhiều hôm nhịn cả ngày đói lả cũng không dám tiêu đến tiền thuốc của con dù chỉ là 1.000 đồng. Khổ mấy tôi cũng chịu được, chỉ mong con khoẻ lại” – bà Yên nói.
Sống tốt đẹp mới là món quà hiếu nghĩa nhất Đây là khẳng định của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (ảnh) – Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam với NTNN trong dịp ngày lễ Vu Lan (rằm tháng 7). Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho biết: Ngày xưa, việc cúng rằm tháng 7 cúng cô hồn, vong linh những người vô gia cư không ai thờ tự đơn thuần là nấu cháo trắng đổ vào những khuôn nhỏ bằng lá đa và có thêm một ít tiền giấy vàng, một ít bỏng màu trắng, xanh hồng. Tại làng quê hiện tại vẫn gìn giữ được nét đẹp này, thể hiện tấm lòng nhân ái, tình yêu thương. Còn hiện tại, nhiều người đang thể hiện một cách thái quá, đốt vàng mã một cách tràn lan gây lãng phí không ít tiền của. “Theo tôi, điều con cái cần làm là hãy ăn ở, sống sao cho đẹp lòng khi bố mẹ còn sống. Với những người đã khuất, con cái hãy thành tâm cung kính tưởng nhớ đến họ đặc biệt trong những dịp lễ Vu Lan này. Việc tưởng nhớ quan trọng là ở cách sống của những người ở lại. Ví dụ như con cái có kinh doanh nên buôn bán thật thà, không gian ảo, không hãm hại người khác, ganh ghét, tham, sân, si… Chính cách sống tốt đẹp của con cái sẽ là món quà đạo hiếu, lễ nghĩa tốt nhất gửi đến các bậc sinh thành” - ông Mai nói. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, việc quan trọng nhất trong ngày lễ Vu Lan đó là sự thành tâm. Có thể dâng lên bàn thờ nén nhang, một chén nước tinh khiết, một đĩa hoa quả, đồ chay tịnh để tưởng nhớ cha mẹ đã khuất. Hơn nữa, có thể lên chùa thắp nhang cầu khẩn để vong linh của cha mẹ thảnh thơi. Với những người con khi bố mẹ đang còn tại thế hãy sống tốt để đẹp lòng bố mẹ. Ngày lễ Vu Lan có thể tặng bố mẹ một cành hoa, tấm áo… Điều đó sẽ gắn kết hơn nữa tình cảm gia đình, giữa con người với nhau thay là việc đốt tiền vàng lãng phí mà không được lợi ích gì. Bùi Mỵ |