Cuối năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ- ông John Kerry khi sang thăm chính thức Việt Nam, đã làm một cuộc hành trình về thăm Đất Mũi.
Phát biểu trước các sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau và người dân địa phương, ông John Kerry cho biết biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng là mối đe dọa với tương lai của khu vực và của toàn cầu. Ông đã tận mắt chứng kiến những tác động của nó trên đường đi cano từ bến tàu Năm Căn đến ấp Kiến Vàng (thị trấn Rạch Gốc, Cà Mau). Chúng tôi cũng làm một chuyến hành trình bằng đường thủy từ Năm Căn về đất Mũi để cảm nhận và thấu hiểu được cuộc sống và con người ở nơi tận cùng cực Nam của Tổ quốc - Mũi Cà Mau.
Hành trình về Đất Mũi
Từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đi xe khách trong đêm, rạng sáng tới thị trấn Năm Căn. Tại bến tàu du lịch Năm Căn, chúng tôi lên một chiếc ca-nô composite, chỉ ít phút tăng ga lấy đà, nó lao vút ra giữa dòng sông Cửa Lớn. Chiếc ca-nô như một chiếc lá hai màu xanh trắng, nhỏ bé giữa một biển nước mênh mông. Ra giữa dòng sông, phóng tầm mắt bốn hướng, không thấy bờ đâu, chỉ thấy rừng đước bạt ngàn. Trên sông Cửa Lớn, hai trụ cầu bắc qua sông đã sừng sững giữa dòng, chuẩn bị hợp long cầu trên con đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn- Đất Mũi, đoạn cuối cùng của đường Hồ Chí Minh, nay mai con đường bộ sẽ chạy dài đến tận Đất Mũi. Đây là một cuộc “cách mạng” về giao thông ở Cà Mau, vì hàng trăm năm nay, phương tiện đi lại của người dân là ghe, thuyền trên sông, rạch. Đi dọc qua sông Cửa Lớn, đến cửa biển Bồ Đề, chợ Đất Mũi, vàm Ông Định, thuyền chạy qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau là đã hướng về Đất Mũi. Hai bên bờ sông, các làng quê bình yên, các thị tứ tấp nập. Chúng tôi ngạc nhiên vì hiếm thấy cây cầu khỉ mà thay vào đó là những cây cầu bê tông vắt ngang các dòng kênh. Còn thuyền độc mộc, ghe tam bản, các ghe thương hồ lớn được đóng bằng gỗ cũng ít thấy; tràn ngập các loại ghe, thuyền bằng composite, chạy bằng các máy động cơ cực khỏe, những con sóng lớn gây ra sạt lở bờ sông ngày một rõ. Phải chăng, bên cạnh việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao thì các phương tiện tàu, ghe hiện đại cũng là một tác nhân không nhỏ gây xâm thực, sạt lở các dòng sông, dòng kênh?
Sông nước và người Đất Mũi
Trên đường đến Đất Mũi, chúng tôi đi xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau vừa được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận vào tháng 4/2013. Đây là khu sinh quyển rộng hàng trăm ngàn héc-ta, bao gồm nhiều loại động thực vật quý, đặc hữu, như: cây mắm, cây đước; các loài chim, loài cá như: sếu đầu đỏ, cá tra dầu, cá hô...Chúng tôi đang ngắm nhìn trời nước mênh mông, chiếc ca-nô giảm tốc độ, báo hiệu sắp đến Đất Mũi. Nhìn đồng hồ, hành trình bằng ca-nô cao tốc từ Năm Căn đến Đất Mũi chỉ 1 giờ 20 phút. Một cảm xúc trào dâng trong lòng mọi người khi trước mặt là Đất Mũi thiêng liêng, nơi bờ đất tận cùng phía nam của Tổ quốc. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều tìm đi đến biểu tượng Mũi Cà Mau. Và rồi, hiên ngang bên bờ biển là biểu tượng con tàu với cờ Tổ quốc tung bay trước gió, như lời thơ của nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”.
Những người đi mở cõi...
Đất Mũi Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm nay, là vùng cực nam của Tổ quốc. Nơi đây có thảm rừng tràm bạt ngàn và hệ sinh thái rừng ngập mặn trải dài, nối liền từ U Minh Thượng đến cửa Gành Hào (Bạc Liêu). Lịch sử phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau gắn liền với việc khai hoang mở cõi của cộng đồng lưu dân, gồm Kinh, Hoa và Khmer. Việc khai phá vùng đất Cà Mau bắt đầu từ thời Mạc Cửu, với những lưu dân người Hoa từ Quảng Đông sang đây chiêu nạp. Tên gọi Cà Mau có nguồn gốc từ cách đồng bào Khmer gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là “nước đen”. Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Cà Mau là vùng đất hội tụ của sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên phương tiện đi lại là “một bước xuống xuồng”. Theo các tài liệu khảo cứu, nghề đóng ghe xuồng ở Cà Mau được phát triển từ các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Những người thợ lành nghề đã vì mưu sinh mà di chuyển dần xuống phía nam, lập nên những “trại xuồng”, rồi theo thời gian, họ sáng tạo nên nhiều loại xuồng ghe phù hợp với điều kiện đi lại trên sông rạch ở Cà Mau (xuồng ba lá, ghe tam bản, ghe bầu, ghe chài...). Lịch sử của vùng Đất Mũi không thể không đề cập đến vai trò của các dân tộc có mặt nơi đây. Dân tộc Kinh, Hoa, Khmer hàng trăm năm nay đã cùng cộng cư và chung tay bồi đắp, xây dựng nên mảnh đất này. Họ có các nghề truyền thống như: hầm than, đan đát, dệt chiếu, nấu rượu...đã tạo nên nhiều thương hiệu nổi tiếng, như: chuối khô Kiểu Mẫu, đan đát Thới Bình, rượu đế Tân Lộc, chiếu Tân Thành, mật ong U Minh, than đước Năm Căn, ba khía Rạch Gốc...
Chợ Đất Mũi
Đến Mũi Cà Mau, ngoài việc chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu mà không có nơi nào có được là được ngắm mặt trời mọc và lặn trên mũi đất cực nam đất nước, chúng ta còn có thể thưởng thức những món ăn đặc sản được chế biến từ tặng vật của biển và rừng, bơi xuồng trong những khu rừng đước nguyên sinh, tham quan cách thức cất nước ngọt từ nước biển của ông cha ta thời đánh Mỹ tại vùng căn cứ địa cách mạng nổi tiếng này...Tuy nhiên, thú vị hơn, có lẽ là tham quan một buổi đi gác kèo ong tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Mũi Cà Mau. Ông Lý Văn Nhạn, phó Ban quản lý Khu DTSQTG Mũi Cà Mau, cho biết: Nghề gác kèo ong có từ rất lâu đời, từ thuở đi khai phá Đất Mũi. Theo cha gác kèo ong từ năm 9 tuổi, gia đình có 250 miếng kèo, ông Trần Văn Luận giảng giải: “Mật ong ngon nhất khi được “ăn” trong khoảng tháng 11 – tháng 3 âm lịch. Cuối tháng 7 âm lịch, bông tràm bị đổ, rữa và tràm thay lá thì hết mùa ăn ong”. Kèo ong làm bằng cây tràm chất lượng hơn các loại cây tạp. Làm kèo cũng là một nghệ thuật để dụ ong. Cây tràm phơi nắng khoảng 1 tháng rồi đẽo và phơi thêm 3 - 4 nắng nữa cho miếng kèo bóng, thoa sáp ong lên để nửa tháng sau cây kèo chuyển sang màu sậm đen sẽ tạo mùi “quyến rũ” ong. Cùng với cảm giác lênh đênh, luồn lách trong rừng tràm, theo chân những người gác kèo đi ăn ong cũng là một trãi nghiệm thú vị với cảm giác hồi hộp khi đàn ong túa ra lúc bị khói xông vào ổ, vui khi thưởng thức mật ong rừng chính hiệu ngọt lịm giữa bao la rừng tràm. Có lẽ, từ 300 năm trước, những người đi mở cõi cũng đã từng thưởng thức và mê đắm những sản vật hồn hậu, phóng khoáng như vậy của đất rừng phương Nam?
Về Đất Mũi hôm nay, được biết khu vực Đất Mũi Cà Mau là điểm cuối cùng của tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 1A nối dài) đang được đầu tư xây dựng, sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Và như vậy, hành trình mở cõi về phương Nam, hàng trăm năm nay vẫn chưa hề ngừng nghỉ.
Đêm nằm nghe đất “thở”
Ấp Mũi, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển là nơi đặt mốc tọa độ quốc gia, định vị lãnh thổ đất liền Việt Nam. Trên dải đất “lấn biển” này, những cư dân quanh năm gắn bó cùng biển cả đang chuẩn bị đón chào năm mới 2014. Ông Trần Thanh Tùng, trưởng Ban nhân dân ấp Mũi, nói rổn rảng: “Ở đây, Tết không của riêng nhà nào, Tết là Tết của cả xóm, cả ấp. Nhà nào có món gì ngon là y như rằng mọi người trong xóm đều có”. Ấp Mũi bây giờ vẫn gìn giữ được những ngôi nhà sàn không có cửa, nét văn hóa thể hiện cuộc sống bình yên và hiếu khách của con người nơi đây. Ông Nguyễn Văn Mốt, Bí thư Chi bộ ấp Mũi, thổ lộ: “Dân nơi đây vẫn đón Tết với không khí của ngày xưa. Ấp Mũi bây giờ vào xuân muộn hơn vì bà con còn phải cật lực lao động, vươn lên làm giàu. Ngày Tết mấy năm gần đây, bà con sắm sửa rình rang hơn, mọi thứ đều sung túc hơn. Đó cũng là điều để chúng tôi nhận biết rằng, Đất Mũi của mình đang lớn lên”.
Còn tôi, thật sự thú vị khi suốt một ngày đi tham quan Đất Mũi, về đêm được nằm trong mái nhà dưới tán rừng đước mênh mông không có cửa. Ngọn gió tươi từ mặt sông hồn hậu thổi vào mát rượi cả tim gan. Đêm ở Đất Mũi làm tôi thao thức. Tôi cảm nhận, Đất Mũi cũng đang “cựa mình”. Ở Mũi Cà Mau, bên trong đất liền, các cánh rừng tràm nguyên sinh nối tiếp như khẳng định vị trí độc tôn của mình trên mảnh đất này. Nhưng bên ngoài, dọc ven bờ biển là cây mắm, cây đước. Cây mắm và cây đước là hai loài đặc hữu của Đất Mũi Cà Mau. Cây mắm âm thầm lấn từng bước một vươn ra biển, chặn dòng phù sa, thu gom phù sa để cây đước bám theo sau giữ lấy. Chúng nhịp nhàng từng bước, từng bước một làm chót mũi Cà Mau ngày càng thêm rộng ra về phía biển.
Hơn 300 năm trước, ông cha ta đã băng rừng, vượt biển mở mang bờ cõi. Từ một tên đất chỉ được gọi và ghi nhớ trong ký ức của mỗi người, nay vùng Đất Mũi Cà Mau mang trong mình hơi thở của sức trẻ. Đêm, đất vẫn không ngủ yên, vẫn “cựa mình” và “thở”, bởi vì thực chất vùng Đất Mũi ngày nay mỗi năm còn vươn ra biển vài chục mét...