Vấn đề áp dụng pháp luật đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài

Phương Nam| 26/08/2019 09:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong trường hợp bị tước bỏ quốc tịch nước ngoài, công dân Việt Nam trở thành người không quốc tịch, thủ tục để được chấp nhận trở lại quốc tịch Việt Nam rất khó khăn.

Theo Bộ Tư pháp, điều kiện "thường trú" tại khoản 1 Điều 127 Luật HNGĐ chưa rõ sẽ áp dụng đối với hôn nhân giữa người nước ngoài với nhau hay giữa cả công dân Việt Nam và người nước ngoài. Trong trường hợp này pháp luật Việt Nam được áp dụng với tư cách là pháp luật nơi có Tòa án (và/hoặc nơi thường trú áp dụng cho cả hai trường hợp thì sẽ thiếu quy định áp dụng cho trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú ở Việt nam còn công dân nước ngoài thường trú tại nước ngoài. Khoản 2 lại đưa ra trường hợp ngoại lệ trong việc áp dụng pháp luật Việt Nam quy định khoản 1, cho phép áp dụng pháp luật nơi thường trú chung khi công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam.

Thông thường, trong các vụ việc về ly hôn sẽ giải quyết toàn bộ các quan hệ về nhân thân và tài sản của vợ chồng, đồng thời giải quyết yêu cầu về quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, đây là các quan hệ pháp lý có liên quan nhưng độc lập với nhau vì các bên có thể yêu cầu giải quyết riêng rẽ.

Về mặt chính sách, cần làm rõ pháp luật để giải quyết quan hệ tài sản của vợ chồng khi ly hôn và các quan hệ khác có cùng tuân theo hệ thống luật như giảiquyết quan hệ nhân thân hay không. Khoản 3 Điều 127 Luật HNGĐ đang giải quyết các yêu cầu về tài sản trong ly hôn nhưng chỉ áp dụng với bất động sản tại nước ngoài. Chế độ tài sản của vợ chồng là vấn đề cần giải quyết trong nhiều trường hợp không chỉ ly hôn mà cả khi một bên chết hoặc phá sản.

Vấn đề áp dụng pháp luật đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài

Ảnh minh họa

Về pháp luật áp dụng đối với việc xác định quan hệ cha mẹ con có yếu tố nước ngoài, trong đó có các vụ việc được giải quyết tại cơ quan hộ tịch: Điều 44 Luật Hộ tịch quy định cụ thể về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con, theo đó người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Như vậy trong trường hợp không có tranh chấp thì việc xác định quan hệ cha mẹ con có yếu tố nước ngoài được giải quyết tại UBND cấp huyện theo các quy định về trình tự, thủ tục của pháp luật Việt Nam mà không có quy định về pháp luật áp dụng. Pháp luật hiện hành không có quy định về loại giấy tờ nào được coi là đủ để chứng minh quan hệ cha mẹ con: Giấy chứng sinh, kết quả xét nghiệm AND hay giấy tờ cam đoan của nhân chứng.

 Các vụ việc được giải quyết tại Tòa án: Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, do Luật HNGĐ không xác định pháp luật áp dụng trong trường hợp này nên pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ pháp luật đang được giải quyết. Việc xác định pháp luật này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Theo Bộ Tư pháp, đến nay, chưa có thông tin về các bản án, quyết định của tòa án Việt Nam có nội dung đánh giá về mối liên hệ gắn bó nhất này.

Về pháp luật áp dụng đối với chế độ tài sản của vợ chồng, giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng: Điều 130 Luật HNGĐ không dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài và hiện nay chưa có quy định dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài đối với các quan hệ nêu tại Điều này trong các đạo luật khác. Vì vậy quy định của Điều 130 Luật HNGĐ có thể hiểu là dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì pháp luật chưa quy định họ có được thỏa thuận về pháp luật áp dụng hay không. Đến nay cũng chưa có quy định giải quyết các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng có yếu tố nước ngoài.

Tại một số nước, khi công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại nước ngoài bị yêu cầu thôi quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp bị tước bỏ quốc tịch nước ngoài, công dân Việt Nam trở thành người không quốc tịch, thủ tục để được chấp nhận trở lại quốc tịch Việt Nam rất khó khăn.

 Thực tế cho thấy cần quy định chặt chẽ các điều kiện kết hôn với người nước ngoài, bổ sung một số điều kiện cần thiết như điều kiện về trình độ ngôn ngữ, sức khỏe, chênh lệch về tuổi, đã trải qua lớp đào tạo về văn hóa hôn nhân, gia đình của nước ngoài…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề áp dụng pháp luật đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài