Ukraine một lần nữa lại tuyên bố “không cần trả” cho Nga món nợ 3 tỷ USD mà Moscow cho chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych cách đây hồi tháng 12/2013.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Alexandr Danyluk tuyên bố, Kiev không có lý do phải trả Nga 3 tỷ USD (?)
Sputnik ngày 27/7 dẫn nguồn hãng tin RBC của Ukraine cho biết, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Alexandr Danyluk tuyên bố, Kiev không có lý do phải trả khoản tiền này.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính Ukraine, đây là “khoản nợ áp đặt”, dưới ảnh hưởng chính trị (mà chính quyền Yanukovych) buộc phải nhận. Do đó, “quan điểm của chúng tôi là không cần phải hoàn trả”, ông Danyluk nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định Kiev sẽ bảo vệ lập trường của mình tại tòa án.
Đây là khoản vay mà Moscow cung cấp cho chính quyền cựu Tổng thống Viktor Yanukovych vào hồi cuối năm 2013, không lâu sau khi ông bị lật đổ và chạy trốn sang Nga, thông qua con đường mua lại trái phiếu của chính phủ Ukraine.
Trong khi Ukraine tính toán rằng, Nga sẽ đồng ý tái cơ cấu nợ theo các điều kiện như là khoản vay thương mại, thì chính quyền Moscow không chấp nhận phương thức đó. Phía Nga kiên quyết cho rằng đây là khoản nợ chủ quyền quốc gia, và do đó, vấn đề tái cơ cấu phải được giải quyết một cách riêng biệt.
Hồi giữa tháng 11/2015, Tổng thống Vladimir Putin thông báo, Nga đồng ý cho phép Ukraine trả khoản nợ 3 tỷ USD trong vòng 3 năm, từ 2016-2018, với tỷ lệ chia đều. Song ông lưu ý, đây chỉ là điều kiện ưu đãi mà Moscow đưa ra nhằm tạo điều kiện cho Kiev hơn so với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà thôi.
Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố, Nga sẵn sàng tái cơ cấu nợ cho Ukraine dưới sự bảo lãnh của phía Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU), hoặc một ngân hàng lớn theo thỏa thuận với phía Nga. Thế nhưng, Ukraine lại yêu cầu Nga áp dụng các điều kiện cơ bản bao gồm xóa 20% nợ và kéo dài thời hạn trả nợ thêm 4 năm. Chẳng những thế, Thủ tướng Ukraine khi đó còn tuyên bố, nếu Nga không chấp nhận, Kiev sẽ… không trả!
Giới quan sát cũng chỉ ra, Ukraine không chỉ một mà đã nhiều lần dọa có thể tuyên bố vỡ nợ. Bởi đơn giản, chính quyền Kiev cho rằng đây chính là chiêu thức hữu hiệu khiến Mỹ và phương Tây có thể “động lòng” mà hà hơi thổi ngạt cho nền kinh tế nước này (?).
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, việc tuyên bố vỡ nợ (nếu thật) sẽ chỉ khiến Kiev “mất nhiều hơn được”. Bởi xét cho cùng, làm ăn với một kẻ “thua cuộc” mà lại “cù nhầy” thật chẳng mấy dễ chịu, vậy nên… tránh xa là thượng sách!?
Trong khi đó, IMF cũng đã xác nhận quy chế nợ chính thức của Ukraine trước Nga. Điều đó có nghĩa là, theo quy định của IMF, Ukraine sẽ không được tái cơ cấu theo những điều kiện như khoản nợ với các chủ nợ tư nhân.
Mới đây, trong buổi họp báo thường kỳ hồi tháng 5 vừa qua, đại diện IMF Jerry Rice cho biết, hiện chưa có tài liệu mới liên quan đến việc thanh toán nợ của Ukraine với Nga. Theo ông Jerry Rice, IMF sẽ tính đến chi tiết này khi xem xét vấn đề cấp cho Kiev đợt viện trợ kế tiếp.
Không thể thực hiện đúng cam kết khi hạn chót cho việc trả nợ là vào ngày 20/12/2015, cũng tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Ukraine còn ban hành lệnh cấm trả nợ Nga cho đến ngày 1/7/2016, trong đó có khoản nợ 3 tỷ USD kể trên.
Vừa qua, tháng 2/2016, Nga đã đệ đơn lên Tòa án tối cao London kiện Ukraine, yêu cầu trả khoản nợ 3 tỷ USD cộng với 75 triệu USD tiền lãi chưa thanh toán. Và, theo quan điểm mà Bộ trưởng Tài chính Viktor Yanukovych vừa đưa ra, có lẽ Kiev cũng đã sẵn sàng cho vụ tranh tụng này.