Ngày 6/5, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến.
Quang cảnh hội nghị.
Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhiều lần họp bàn trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 và tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường những năm vừa qua. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, cho nên còn có ý kiến khác nhau.
Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến về vấn đề quan trọng này, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 9 khoá XIII sắp tới.
Tờ trình của Bộ Chính trị đã nói rõ các công việc được triển khai thực hiện từ sau Hội nghị Trung ương 9 khoá XI đến nay; tổng hợp các ý kiến khác nhau và đề xuất phương án để Trung ương xem xét, lựa chọn.
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu cân nhắc kỹ những ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án. Chú ý phân tích, đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của các đề xuất gắn với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bằng cách quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, việc phân cấp, uỷ quyền đối với chính quyền địa phương các cấp sát hợp với thực tế có những đặc thù về địa lý, dân số, kinh tế - xã hội giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.
Tổng Bí thư gợi mở: "Phải chăng, chính quyền nông thôn cần được chú trọng nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả 3 cấp; chính quyền đô thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, uỷ quyền phù hợp giữa cấp thành phố với thị xã, quận, phường; tổ chức và hoạt động của chính quyền các khu hành chính - kinh tế đặc biệt cần được quy định trong một đạo luật riêng ?…".