Tổng thống Nga Vladimir Putin đã buộc tội Mỹ khởi động lại vòng chạy đua vũ trang mới trên thế giới, Press TV đưa tin.
Tổng thống Putin cũng nói rằng, giới chức Mỹ nên suy nghĩ lại về những chính sách của mình và dừng “hành động theo kiểu “không ai đi cùng với Mỹ là chống lại Mỹ”.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Thụy Sĩ RTS ngày hôm qua (27/7), Tổng thống Putin cho biết: “Vòng chạy đua vũ trang mới được thúc đẩy bởi hành động đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) của Mỹ”.
Ngày 13/12/2001, Washington đã rút khỏi Hiệp ước ABM - được ký năm 1972 giữa Mỹ và Liên Xô về việc hạn chế các hệ thống chống tên lửa đạn đạo được sử dụng tại các khu vực phòng thủ chống vũ khí hạt nhân được phóng từ tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, “Hiệp ước này là nền tảng của toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế”, Tổng thống Putin khẳng định.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức hàng đầu nghiên cứu về an ninh quốc tế, trong năm 2014, Washington đã chi tới 581 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng - đứng đầu thế giới về ngân sách quốc phòng hồi năm ngoái.
Những quốc gia đứng sau Mỹ - với khoản ngân sách quốc phòng lần lượt là Trung Quốc: 129 tỷ USD, Arập Xêút: 81 tỷ USD và Nga: 70 tỷ USD.
Tổng thống Putin cũng nói rằng, giới chức Mỹ nên suy nghĩ lại về những chính sách của mình và dừng “hành động theo kiểu “không ai đi cùng với Mỹ là chống lại Mỹ”.
“Rõ ràng, Mỹ là một cường quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là những nhà cầm quyền hiện nay của nước Mỹ có mọi quyền xoay chuyển thế giới, bắt giữ và tống người ta vào tù”, ông chủ Điện Kremlin nói thêm.
Cũng trong bài phỏng vấn của mình, Tổng thống Nga nói rằng, Moscow sẵn sàng thương lượng với Mỹ và châu Âu trong mọi vấn đề, trong đó có cả tình hình ở Ukraine.
“Nga không muốn tìm cách đối đầu với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng đôi khi chúng tôi đơn giản chỉ là bảo vệ những lợi ích của mình. Và chúng tôi chắc chắn sẽ làm điều đó, nhưng không phải theo cách xung đột mà tìm cách thỏa hiệp và các giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được”, Tổng thống Putin khẳng định.
Hiện, Mỹ và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga do cáo buộc Moscow có liên quan đến cuộc xung đột tại miền đông Ukraine. Kremlin liên tục bác bỏ và cho đó là những lời buộc tội vô căn cứ, đồng thời tiến hành biện pháp trừng phạt chống lại EU.
Ngày 22/6 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU quyết định gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng (đến 31/01/2016). Đáp lại, Moscow ban hành sắc lệnh kéo dài lệnh phản trừng phạt thêm 1 năm (đến 05/8/2016), và mở rộng danh mục các sản phẩm cấm nhập khẩu vào Nga từ các nước EU.