Philippines đang xem xét khả năng mua các tàu hải quân của Nga để đuổi kịp các nước láng giềng, cáo buộc Mỹ chỉ bán vũ khí lạc hậu cho đồng minh.
Ngày 17/8, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Sorreta cho biết, Philippines đang cân nhắc mua các tàu hải quân của Nga nhằm gia tăng sức mạnh hải quân trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang.
Theo ông Carlos Sorreta, nhiều nước đang phát triển rất mong muốn sở hữu các trang thiết bị của Nga. Philippines cũng muốn nhận trang thiết bị của Nga và các điều khoản của Nga rất tốt. Hiện hai bên vẫn đang thảo luận về các điều khoản.
Theo nhà ngoại giao Nga, khác với những nơi khác, Moscow không đặt ra bất kỳ điều khoản chính trị nào trong các thỏa thuận mua bán vũ khí.
Tàu ngầm Kilo Nga trở về cảng sau chuyến tuần tra
Liên quan tới các thương vụ mua sắm vũ khí quân sự từ Nga, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver tuyên bố, Philippines hãy suy nghĩ kỹ lưỡng vì cho rằng Moscow là một đối tác “không tốt” với Manila.
Nga được cho là sẵn sàng bán cho Philippines tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo và cam kết cho Manila vay trong trường hợp họ chưa có đủ tiền để chi trả cho vũ khí này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên đường tới Nga hôm 16/8. Mục đích chuyến đi không được tiết lộ, nhưng nguồn tin giấu tên cho biết ông sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và nhiều quan chức quân sự cấp cao tại thủ đô Moskva.
Trong khi đó, Washington hối thúc Philippines cân nhắc việc mua vũ khí của Mỹ, nhấn mạnh điều này sẽ giúp ích cho sự hợp tác quân sự giữa hai quốc gia đồng minh. Quan chức Mỹ khẳng định, việc mua sắm các hệ thống vũ khí quy mô lớn không chỉ tăng cường năng lực tác chiến, mà còn là khoản đầu tư vào quan hệ ngoại giao.
Phát biểu của Schriver dường như đã khiến Tổng thống Duterte tức giận, ông khẳng định Philippines phải mua tàu ngầm nếu muốn đuổi kịp các nước láng giềng trong lĩnh vực quân sự. Ông Duterte tuyên bố, hãy nói vì sao nước Mỹ phản đối việc Philippines mua tàu ngầm. Phải chăng Mỹ muốn Manila lạc hậu mãi, đồng thời đề cập tới việc Washington chỉ bán khí tài đã loại biên cho Manila.