Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bổ nhiệm ông Richard Grenell làm Quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia của nước này.
Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, một người trung thành với ông, vào vị trí tình báo cao cấp nhất của chính quyền, trong nỗ lực tiếp tục nắm quyền kiểm soát cá nhân đối với các cơ quan gián điệp.
Richard Grenell, đại sứ Mỹ tại Đức, được bổ nhiệm là Quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ
Ông Richard Grenell, Đại sứ Mỹ tại Đức từ tháng 5/2018, sẽ thay thế Quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) Joseph Maguire trong vòng 210 ngày trước khi Tổng thống Trump có quyết định chỉ định chính thức. Ông Joseph Maguire là một phó đô đốc đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc của Trung tâm chống khủng bố quốc gia.
Trên cương vị mới, ông Richard Grenell sẽ quản lý 17 cơ quan tình báo Mỹ và có nhiệm vụ báo cáo trực tiếp với Tổng thống Trump. Chức vụ Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ được thiết lập sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, có trách nhiệm giám sát 17 cơ tình báo quân sự và dân sự của Mỹ, trong đó có cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Quyết định này vấp phải nhiều chỉ trích vì ông Grenell “không có chút kinh nghiệm nào về tình báo” nhất là vào thời điểm Mỹ cũng như thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn.
Bằng cách chỉ định Richard Grenell làm Quyền Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI), thay vì đề cử ông vào vị trí thường trực, Tổng thống Trump đã bỏ qua điều kiện phải thông qua Thượng viện, một lỗ hổng luật pháp mà ông đã khai thác khi cần thay thế các quan chức.
Quyết định bổ nhiệm này không cần phải nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện nhưng theo quy định, ông Grenell chỉ được giữ cương vị Quyền Giám đốc DNI trong thời gian tối đa 210 ngày. Sau giai đoạn này, Tổng thống Trump cần phải có một quyết định chỉ định chính thức.