Ngày 24 tháng 10, tại Tổng cục Hải quan đã diễn ra họp báo chuyên đề về việc Tổng cục Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 13.
Bà Nguyễn thị Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết: Thực hiện nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổng cục Hải quan Việt Nam sẽ chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 tại Việt Nam dự kiến vào tháng 10/2019. Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng hải quan ASEM phê duyệt.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì buổi họp báo
Theo bà Nguyễn thị Việt Nga, trong giai đoạn 2018-2019, kế hoạch hành động hải quan ASEM tập trung vào các biện pháp và định hướng hợp tác theo những lĩnh vực ưu tiên đó là: (i) Tạo thuận lợi thương mại và thủ tục hải quan, (ii) Tạo thuận lợi đối với các quy trình thủ tục hải quan không giấy tờ; (iii) Quản lý hải quan đối với thương mại điện tử qua biên giới; (iv) Kết nối và quá cảnh; (v) Cơ chế một cửa để thông quan nhanh, quản lý rủi ro tự động và tích hợp; (vi) Đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; (vii) thực thi quản lý biên giới đối với các bưu kiện quốc tế; (viii) Tầm nhìn về triển vọng ASEM. Việc triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch hành động này được thực hiện chủ yếu dựa trên việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và khuyến nghị thực thi với sự hỗ trợ của các thành viên là điều phối.
Bà Nguyễn thị Việt Nga cũng cho biết, nối tiếp kế hoạch hành động hải quan ASEM 2018-2019, với vai trò là nước chủ trì Hội nghị, Hải quan Việt Nam dự kiến đề xuất một số nội dung ưu tiên để đưa vào chương trình hành động hải quan ASEM 2019-2020 gồm: (i) ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc tăng cường tích hợp, kết nối các hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý hải quan hiệu quả; (ii) thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp; (iii) bảo vệ môi trường, xã hội, an ninh và tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng.
Với nội dung ưu tiên này, Hải quan Việt Nam mong muốn các thành viên ASEM cùng trao đổi và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị và sáng kiến trong thực hiện kết nối, tích hợp các hệ thống công nghệ thông tin nhằm thực hiện tốt vai trò quan trọng của cơ quan hải quan trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cũng như chung tay bảo vệ môi trường, xã hội và bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi thương mại.
Với việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM, Hải quan Việt Nam mong muốn góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực hải quan đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là việc thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh trong chống khủng bố, vận chuyển hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi với khối lượng lớn; hay áp lực về duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung ưu tiên trong kế hoạch hành động ASEM 2019-2020, Hải quan Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị về mặt lễ tân, hậu cần nhằm góp phần quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế.
Diễn đàn Hợp tác Á - Âu còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu là một diễn đàn liên khu vực được chính thức thành lập vào năm 1996 theo sáng kiến chính trị để tạo dựng mối quan hệ đối tác mới giữa Châu Á và Châu Âu nhằm tăng cường giao lưu và hiểu biết giữa hai châu lục. Điểm nổi bật của ASEM là đối thoại không chính thức, nhấn mạnh mối quan hệ đối tác bình đẳng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. ASEM mở ra cơ hội cho các nhà xây dựng chính sách và các quan chức thảo luận các vấn đề quan tâm chung về chính trị, kinh tế, xã hội, hỗ trợ cho công việc được thực hiện tại các diễn đàn đa phương khác như Liên Hiệp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới. Diễn đàn ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm chính trị, an ninh - kinh tế, văn hóa xã hội và hợp tác hải quan trong diễn đàn ASEM nằm trong tiến trình đối thoại an ninh - kinh tế với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO. Cơ chế làm việc trong diễn đàn hải quan ASEM bao gồm nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan được tổ chức 2 năm một lần. |