Thu hồi ki-ốt để xây dựng TTTM ở Tân Kỳ - Nghệ An

Kế Hùng| 09/11/2012 17:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào năm 2007, được sự nhất trí của UBND huyện Tân Kỳ cho phép UBND thị trấn Tân Kỳ xây dựng ki-ốt tạm thời để cho thuê kinh doanh dịch vụ.

UBND thị trấn huyện Tân Kỳ đã tiến hành xây dựng 9 ki-ốt tại khu vực khối 8 và làm thủ tục đấu thầu cho thuê ki-ốt dịch vụ.

Theo đó các ông Ngô Trí Tuệ, bà Trương Thị Thuỷ, bà Nguyễn Thị Anh Thuý, ông Bửu Thắng, bà Nguyễn Thị Thuận, ông Trần Ngọc Tín, ông Tô Anh Phương, bà Nguyễn Thị Hòa, bà Lê Thị Linh  đã trúng thầu và thỏa thuận ký kết hợp đồng.

Các bên thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng, thời hạn thuê ki-ốt để kinh doanh dịch vụ là 20 năm. Trong thời hạn đó, nếu nhà nước thu hồi đất thì UBND thị trấn Tân Kỳ sẽ thông báo cho người thuê ki-ốt để làm thủ tục thanh lý hợp đồng và trả lại tiền tương ứng với thời gian còn lại. (Tổng số tiền chia bình quân cho năm sử dụng ). Nhưng sau đó có sự khiếu nại của công dân, Huyện uỷ huyện Tân Kỳ đã tiến hành kiểm tra và có kết luận: UBND thị trấn Tân Kỳ tổ chức đấu thầu cho thuê ki-ốt xây tạm trên đất do UBND huyện Tân Kỳ quản lý thời hạn thuê 20 năm là trái thẩm quyền. Vì vậy UBND thị trấn Tân Kỳ đã ra quyết định hủy bỏ hợp đồng cho thuê ki-ốt 20 năm và thông báo cho những người thuê ki-ốt đến UBND thị trấn Tân Kỳ  để ký kết lại Hợp đồng vào ngày 24/2/2009.

Điều khoản trong bản hợp đồng mới giữa UBND thị trấn Tân Kỳ và người thuê ki-ốt thoả thuận thời hạn thuê ki-ốt có sự điều chỉnh về thời gian thuê ki-ốt là 01 năm. Trong quá trình sử dụng ki-ốt nếu nhà nước thu hồi phần đất có ky ốt đang sử dụng thì bên thuê có trách nhiệm trả ki-ốt, để nhà nước giải phóng mặt bằng và không được yêu cầu bồi thường thiệt hại về đất và tài sản trên đất. UBND thị trấn sẽ làm thủ tục trả lại đầy đủ số tiền cho thuê ki-ốt trên cơ sở đã khấu trừ số tiền tương ứng với thời gian bên thuê đã sử dụng ki-ốt.

Ngày 30/9/2011 UBND tỉnh Nghệ An có quyết định 239/QĐ – UBND. ĐC thu hồi  diện tích đất  có  9 ki-ốt tại khu vực vòng xuyến  mà UBND thị trấn Tân Kỳ đang cho thuê để xây dựng khu Trung tâm thương mại Tân Kỳ. UBND thị trấn Tân Kỳ đã thông báo cho các ông bà thuê ki-ốt  trực tiếp UBND thị trấn Tân Kỳ để làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Xung quanh việc này đã có nhiều cuộc họp bàn bạc để giải quyết giữa UBND thị trấn Tân Kỳ và những người thuê ki-ốt nhưng hai bên vẫn không đi đến thoả thuận. Vì vậy ngày  04/11/2011 UBND thị trấn Tân Kỳ  đã làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ.

Ngày 27/04/ 2012 Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai  vụ án thụ lý số 12 /2011/TLST ngày 7/11/2011 về tranh chấp hợp đồng thuê tài sản giữa nguyên đơn: UBND thị trấn Tân Kỳ do ông Phan Huy Hoàng chức vụ chủ tịch làm đại diện và bị đơn là các chủ thuê ki-ốt. Tại phiên toà tuy các hộ thuê ki-ốt đều vắng mặt nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ đã tiến hành hoà giải thì  tất cả đều chấp nhận trả lại ki-ốt theo yêu cầu của đại diện UBND thị trấn Tân Kỳ. Với điều kiện UBND thị trấn Tân Kỳ phải bồi thường thiệt hại, trong số 9 hộ thì có 8 hộ yêu cầu đền bù mỗi hộ 200 triệu đồng, 1 hộ đề nghị 350 triệu đồng. Tuy nhiên đại diện của UBND thị trấn Tân Kỳ không chấp nhận theo yêu cầu bồi thường thiệt hại nói trên. Bởi những điều khoản chung trong Hợp đồng thuê ki-ốt đã quy định rõ: Thời hạn thực hiện hợp đồng là 1 năm. Vào thời điểm thanh lý hợp đồng mỗi năm nếu nhà nước chưa thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng thì bên B có quyền được ký tiếp hợp đồng thuê ki-ốt. Trong quá trình sử dụng ki-ốt nếu nhà nước thu hồi phần đất có ki-ốt đang sử dụng, bên B có trách nhiệm trả lại để nhà nước giải phóng mặt bằng và không được yêu cầu bồi thường tiền đất và tài sản trên đất. UBND thị trấn Tân Kỳ sẽ làm thủ tục trả lại đầy đủ số tiền của bên B trên cơ sở khấu trừ số tiền tương ứng thời gian bên B đã sử dụng  ki-ốt.

Tại phiên toà, tuy các hộ  thuê ki-ốt đều vắng mặt nhưng sau khi xem  xét các yêu cầu bồi thường thiệt hại của các hộ thuê ki-ốt, căn cứ vào các điều khoản của HĐ  ngày 24/2/2009, Toà án nhân dân huyện Tân Kỳ nhận thấy không có căn cứ pháp luật để  yêu cầu UBND thị trấn Tân Kỳ bồi thường thiệt hại cho các hộ phải trả lại ki-ốt. Vì vậy Toà án nhân dân huyện Tân Kỳ đã bác yêu cầu bồi thường thiệt hại và ra quyết định buộc 9 hộ có tên trên phải trả lại các ky ốt đã thuê  theo yêu  cầu của UBND thị trấn Tân Kỳ.

Như vậy phán quyết của  phiên toà Toà sơ thẩm là có căn cứ và đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi ki-ốt để xây dựng TTTM ở Tân Kỳ - Nghệ An