Thế giới 2015: "Bức tranh" với nhiều gam màu

TS. Phạm Thanh Hà (Phó Chủ nhiệm khoa Quan hệ Quốc tế Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I)| 07/02/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2015 đã khép lại với bao niềm vui, niềm hy vọng, nỗi sợ hãi, sự lo âu bao trùm, trải rộng khắp toàn cầu.

Vẫn biết bên cạnh niềm vui là nỗi buồn, thành công là thất bại, thời cơ là thách thức... nhưng ai cũng mong muốn niềm vui nhiều hơn, thành công, thời cơ được phát huy thách thức được ngăn chặn, gam màu "sáng" lấn át. Dẫu là vậy, chúng ta vẫn phải nhìn lại những gì đã qua của năm 2015 để vượt lên, để hướng tới những điều tốt đẹp trong năm 2016.

Một năm nhiều "sóng gió"

Trận "cuồng phong" của phong trào "Mùa xuân Ả-rập" cách đây vài năm vẫn đang để lại cho Bắc Phi - Trung Đông một "chảo lửa" xung đột, bất ổn trong năm 2015 (và có lẽ sẽ còn tiếp tục kéo dài chưa biết đến bao giờ) với "tâm bão" là Syria. Chính bạo lực, bất ổn ở Syria và các nước trong khu vực này đã, đang trở thành mảnh đất màu mỡ, làm xuất hiện và nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố với sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất hiện từ năm 2014. Năm 2015, IS với những hành động tàn bạo và nguồn tài chính dồi dào đã giúp lực lượng này mở rộng nhanh chóng địa bàn chiếm đóng ở Syria, Iraq và nhiều nước trong khu vực. Với tư tưởng cực đoan, tàn bạo, IS đã gây ra nhiều vụ thảm sát, khủng bố kinh hoàng đe dọa đến nền hòa bình, ổn định của cả thế giới. Để ngăn chặn và đi tới xóa bỏ lực lượng này, Mỹ đã thành lập liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu (hiện có hơn 60 nước tham gia) tấn công IS bằng không kích. Song, hơn một năm qua với hàng nghìn đợt tấn công oanh tạc bằng máy bay và tốn kém bao nhiêu tiền của, Mỹ và liên quân vẫn chưa thể tiêu diệt được lực lượng này.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2015, theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga đã tiến hành các cuộc không kích lực lượng IS tại Syria. Với việc sử dụng nhiều phương tiện quân sự hiện đại, không quân Nga đã mở nhiều đợt không kích phá hủy hàng nghìn cơ sở hạ tầng của IS, đồng thời tạo điều kiện cho quân đội Syria giành lại được nhiều khu vực do IS kiểm soát trước đó. Thế giới đã, đang kỳ vọng vào một sự phối hợp giữa Nga với liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, thì ngày 24/11, chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. Nga cho rằng, đây là hành động "đấm sau lưng". Sự việc này không những đã đẩy quan hệ Nga - Thổ đi đến căng thẳng mà còn làm ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch tấn công tiêu diệt lực lượng IS của cả Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu.

Thế giới 2015:

Năm 2015, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều vụ khủng bố đẫm máu, tang thương. Điển hình là vụ khủng bố ngày 7/1 ở Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của nước Pháp. Trong vụ khủng bố này, 12 người chết trong đó có 8 nhà báo và 2 cảnh sát. Ngày 2/4, nhóm khủng bố tấn công ký túc xá Đại học Garissa (ở Kenya) làm 147 sinh viên bị thiệt mạng và 79 người khác bị thương. Lực lượng an ninh Kenya đã giải cứu được hơn 500 sinh viên và  tiêu diệt 4 tay súng trong nhóm khủng bố. Ở Thái Lan, ngày 17/8, tại một ngã tư đường phố gần ngôi đền Erawan (ở trung tâm thành phố Bangkok), một quả bom đã phát nổ làm 20 người thiệt mạng và bị thương 125 người. Ngày 31/10, một chiếc máy bay chở khách của Nga gặp nạn trên không phận vùng Sinai của Ai Cập làm chết 224 người (cả hành khách và phi hành đoàn). Nguyên nhân máy bay gặp nạn được xác định là do bị cài bom. Đêm ngày 13/11, liên tục 7 vụ tấn công bằng súng và bom tự sát đã xảy ra ở Thủ đô Paris, Pháp làm 129 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm dàn dựng và thực hiện các vụ tấn công khủng bố đẫm máu này. Ngày 20/11, một nhóm khủng bố đã tấn công khách sạn Radisson ở Mali. Lực lượng an ninh Mali phải mở chiến dịch giải cứu con tin bị bắt cóc trong khách sạn (khách phần lớn là người đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ). Trong vụ khủng bố này, 27 người bị thiệt mạng (trong đó có 5 tay súng trong nhóm phiến quân khủng bố)...

Cũng trong năm 2015, ngoài nhiều vụ khủng bố đẫm máu, thế giới phải chứng kiến nhiều thảm kịch kinh hoàng. Nắng nóng ở Ấn Độ kéo dài từ 21/5 đến 19/6, có thời điểm nhiệt độ lên tới 45-480C khiến cho 2.500 người chết. Ngày 4/2, chỉ chưa đầy 1 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay TransAsia 235 gặp sự cố động cơ và bị rơi xuống làm 58 người thiệt mạng, 15 người may mắn sống sót. Chiếc máy bay của hãng Germen Wings với số hiệu 9525 chở 150 người rơi xuống vùng núi Alps ở Pháp, không một ai trên chuyến bay này sống sót. Ngày 19/4, một chuyến tàu chở người di cư trái phép bị lật ở ngoài khơi Silicy - Italia làm hơn 700 người thiệt mạng (phần lớn là phụ nữ và trẻ em). Trận động đất kinh hoàng ở Nepal xảy ra vào ngày 25/4 với cường độ 8,1 độ richter đã khiến hơn 9.000 người thiệt mạng, hơn 23.000 người bị thương. Trận động đất này đã phá hủy nhiều nhà cửa của người dân, cơ sở hạ tầng và nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận...

Năm 2015, vấn đề "làn sóng di cư" từ khu vực Bắc Phi, Trung Đông vào châu Âu cũng đã tạo nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Đây là cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại chiến II. Theo thống kê của Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), tính đến ngày 22/12, số người di cư vào châu Âu trong năm 2015 đã vượt ngưỡng 1 triệu người, tăng gấp 4 lần so với năm 2014. Đã có hơn 4.000 người bị chết đuối và mất tích trên đường di cư tới châu Âu trong năm 2015. Sự bức hại, tình trạng nghèo đói, xung đột chính trị, nội chiến... là những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư này. Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã gây ra bất đồng và chia rẽ chính trị sâu sắc trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Qua việc giải quyết trong bối cảnh bất đồng và chia rẽ từ cuộc khủng hoảng này cho thấy, cuộc khủng hoảng di cư đang phá vỡ những giá trị và lợi ích cơ bản của châu Âu. Tìm được lời giải cho "bài toán" khó này cũng là câu trả lời châu Âu đã tìm ra được các giá trị thực sự của mình và chứng minh được tính thống nhất trong EU...

Những tín hiệu lạc quan

Bức tranh thế giới năm 2015 cũng đã để lại nhiều điểm sáng, với các tín hiệu lạc quan về một thế giới đang nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng về kinh tế, nhiều "điểm nóng" về chính trị được tháo gỡ, quan hệ quốc tế đang hướng tới nguyên tắc sống chung và tôn trọng nhau rõ nét hơn... Có thể điểm ra một số điểm sáng của thế giới năm 2015, đó là: Theo đánh giá dự đoán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 20/10, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm 2015, mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra dự đoán kinh tế toàn cầu tăng khoảng 3% trong năm 2015. Nền kinh tế lớn nhất thế giới - nước Mỹ đã chặn được đà suy giảm kinh tế và đang có bước phục hồi tích cực.

Vấn đề thoát nghèo của người dân trên thế giới cũng là một điểm sáng của năm 2015. Còn nhớ, khi mới bước sang thế kỷ mới, trên thế giới có khoảng một nửa dân số thuộc diện nghèo. Theo mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc đưa ra năm 2000, các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra 8 cách để chống lại nghèo đói trong vòng 15 năm tới. Một trong những mục tiêu đó là “xóa bỏ những hộ cực nghèo” (dưới 1,25 USD/ngày). Theo Liên Hợp quốc, người nghèo đã giảm từ 1,75 tỷ người năm 2009 xuống còn 836 triệu người vào năm 2015.

Trong năm 2015, giá dầu rẻ khiến cho phần đông người dân trên thế giới cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn. Việc giá dầu rẻ đã kéo theo giá nhiều loại sản phẩm đươc giữ ở mức thấp ổn định. Trong giữa tháng 12/2015, giá của một thùng dầu thô có thời điểm giảm xuống còn khoảng 35 USD/thùng, giảm sâu nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào cuối năm 2008 đến nay. Một vấn đề liên quan đến quyền con người được nhiều người trên thế giới quan tâm, đó là Luật Hôn nhân đồng giới được thông qua ở Mỹ, với sự kiện này cho thấy, Mỹ đã có một bước tiến vượt bậc khi chấp nhận quyền của những người đồng tính, với đa số người trẻ cho rằng các cặp đồng giới cần được cho phép kết hôn và Tòa án tối cao của Mỹ đã đồng ý với quan điểm này. Dù cũng có người không ủng hộ hôn nhân đồng giới nhưng không thể phủ nhận rằng nước Mỹ đã dần đạt đến được lý tưởng về sự tự do và bình đẳng. Ở một lục địa khác, Ireland cũng đã bỏ phiếu cho phép Luật Hôn nhân đồng giới đi vào hiện thực.

Thế giới 2015:

Trong quan hệ hợp tác quốc tế có nhiều "điểm sáng" được đánh giá cao và cộng đồng thế giới đặc biệt chú ý, đó là chuyến viếng thăm chính thức Mỹ của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 6-10/7 theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ. Thực tiễn cho thấy, Mỹ chưa có tiền lệ đón tiếp một người với vai trò thuần túy là lãnh đạo Đảng Cộng sản tại Nhà Trắng và đã từng có một số lãnh đạo Đảng Cộng sản khác tới Nhà Trắng, nhưng họ đến với vai trò "kép" và Nhà Trắng đón tiếp họ ở vai trò lãnh đạo chính quyền. Chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Mỹ theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ thể hiện sự tôn trọng của Hoa Kỳ đối với thể chế chính trị của Việt Nam. Qua sự kiện này cho thấy, trong thế giới chúng ta, các đối tác mạnh, những người bạn tốt không nhất thiết phải là những người tương đồng nhất, mà là những người có thể chấp nhận lẫn nhau và có đối thoại thẳng thắn về những khác biệt của mình.

Cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan hôm 7/11 tại Singapore là cuộc gặp chưa từng có trong lịch sử từ năm 1949 tới nay của Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Cuộc gặp này được đánh giá là một sự kiện lịch sử, một dấu mốc quan trọng, một bước "đột phá" trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan vốn rơi vào tình trạng hận thù trong mấy chục năm qua. Về ý nghĩa, cuộc gặp này góp phần duy trì hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan, có thể tạo nền tảng để từ đó thúc đẩy các hợp tác khác sâu rộng hơn.

Một kết thúc khá có hậu của năm 2015 là Hội nghị về biến đổi khí hậu 21 (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp). Sau gần 2 tuần nhóm họp căng thẳng, cuối cùng vào ngày 12/12, tất cả các quốc gia tham gia COP21 đã đồng ý thông qua một thỏa thuận chung về chống biến đổi khí hậu. Sự kiện này được đánh giá là một thỏa thuận lịch sử bởi lẽ lần đầu tiên tất cả các nước đều tham gia vào thỏa thuận, không giống như trước đây, ai muốn thì theo, không thích thì không ai bắt. Việc các nước cùng ký vào bản thỏa thuận cho thấy, thỏa thuận này mang tính ràng buộc nhất định về mặt pháp lý; các nước tham gia COP21 hứa sẽ nỗ lực cắt giảm lượng khí thải để nhiệt độ trái đất chỉ có thể nóng lên tối đa 20C từ nay cho đến năm 2100; Lần đầu tiên cuộc đấu tranh dài hơi của các tổ chức phi chính phủ, của các phong trào xã hội công dân đã kích động giới chính trị phải có hành động, không thể viện lý do lợi ích kinh tế trước mắt để hy sinh tương lai của các thế hệ mai sau…

Những điểm sáng mở ra cho chúng ta nhiều hy vọng tốt đẹp trong tương lai, song đó không phải là một phép màu. Mỗi quốc gia cần chủ động, tích cực và trách nhiệm hơn, cần vượt qua sự ích kỷ quốc gia, cần thực hiện tốt các nguyên tắc hòa bình, một sự tự nguyện có trách nhiệm cùng tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Có như vậy, bức tranh thế giới trong năm 2016 và những năm sau đó gam màu sáng mới có thể lấn át gam màu tối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới 2015: "Bức tranh" với nhiều gam màu