Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện bắt buộc tại Thanh Hóa

Thành Phan| 11/11/2019 18:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 11/11, TAND hai cấp Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Hà Huy Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cùng các Chánh tòa, Chánh án, Phó Chánh án các huyện và Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa.

Thống kê trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 7.468 người nghiện ma tuý có hồ sơ, trong đó có 6.732 người nghiện đang sống ngoài cộng đồng, 576 người đang cai nghiện tại cơ sở cai nghiện của tỉnh, 160 người nghiện đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Thành phần người nghiện ma tuý đang sống ngoài xã hội bao gồm học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, công nhân, nông dân, và số lao động tự do nghiện ma tuý chiếm số lượng lớn nhất.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện bắt buộc tại Thanh Hóa

Ông Hà Huy Hùng, Phó chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là những người đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú ổn định.

Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định “Người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải đăng ký cai nghiện tại gia đình và cộng đồng”, song việc thực hiện biện pháp này thời gian qua còn khó khăn xuất phát từ một số quy định pháp luật thiếu tính khả thi cũng như nguồn lực tại cộng đồng còn hạn chế.

Nhiều trường hợp đang tham gia điều trị methadone nhưng họ vẫn sử dụng nhiều loại ma túy khác như: ATS, cần sa, cỏ mỹ, … và không thể xử lý được do các chế tài để xử lý đối tượng nêu trên chưa thống nhất. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn do có sự không tương thích giữa quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các đòi hỏi về chuyên môn, kỹ thuật trong việc xác định tình trạng nghiện. 

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện bắt buộc tại Thanh Hóa

Ông Lê Chí Cường - Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hoá phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu quan tâm thảo luận, tập trung liên quan đến công tác đưa người đi cai nghiện, công tác quản lý, tuyên truyền…

Theo ông Lê Chí Cường - Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hoá cho biết: Khảo sát hiện nay số người nghiện ma tuý tổng hợp dạng đá trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 1.017 người, chiếm 15,1% tổng số người nghiện ma tuý toàn tỉnh. Người nghiện sử dụng ma tuý tổng hợp, nhất là dạng đá đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ, một số bộ phận thanh thiếu niên cho rằng sử dụng ma tuý tổng hợp không gây nghiện.

Còn Bà Bùi Thị Huyền, Phó Chánh án TAND thành phố Thanh Hóa cho hay: Việc lập thủ tục hồ sơ xem xét áp dụng xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thời gian đầu còn gặp nhiều lúng túng trong việc triển khai thực hiện ở các đơn vị xã, phường. Các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, nhất là đưa các đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc về trình tự, thủ tục hồ sơ, biểu mẫu chưa có hướng dẫn cụ thể và thống nhất chung dẫn đến phương pháp lập hồ sơ của từng phường, xã khác nhau nên khi chuyển hồ sơ đến tòa án rất khó khăn cho việc xem xét tính hợp pháp của hồ sơ áp dụng xử lý hành chính tại tòa án, dẫn đến một số hồ sơ tòa án phải trả do chưa đủ điều kiện.

Quá trình xem xét, giải quyết tại tòa án đối với những đối tượng đưa đi cai nghiện bắt buộc có nơi cư trú ổn định gặp nhiều khó khăn trong công tác tống đạt, giao nhận các văn bản tố tụng của tòa án cho các đối tượng nghiện ma túy do các đối tượng này thường vắng mặt tại gia đình. Các gia đình hoặc chính quyền địa phương cũng không quản lý được các đối tượng này dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết của tòa án.

Trong khi đó, bà Lê Thị Sáu, Chánh án TAND huyện Hoằng Hóa thông tin thêm: “Vấn đề thiết lập hồ sơ chưa chặt chẽ và khi tiếp nhận hồ sơ tòa án phải đến địa phương để truy tìm đối tượng để có cơ sở xem xét. Chính quyền địa phương và gia đình không quan tâm đến việc này nên gây khó khăn cho công tác của tòa án. Các đối tượng khi nắm được thì bỏ trốn, không có mặt tại phiên họp, thậm chí không chấp hành Quyết định nên nhiều đối tượng vẫn chưa đưa đi cai nghiện bắt buộc được. Sau khi cai nghiện, các đối tượng trở về địa phương cần có chính sách quan tâm, tạo điều kiện về việc làm để cho đối tượng tránh tình trạng tái nghiện lại…”.

Theo kế hoạch trong thời gian tới, Thanh Hoá tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân nhận thức một cách đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tăng cường công tác cai nghiện bắt buộc là nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi chứ không phải nhằm đưa được nhiều người đi cai nghiện bắt buộc, do đó đề nghị các địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”, đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương tăng cường các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người nghiện ma túy đi cai nghiện ma túy tự nguyện, hướng đến một xã hội không còn người nghiện ma tuý, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện bắt buộc tại Thanh Hóa