Tăng cường quản lý chống thất thu thuế, tạo thuận lợi cho người dân

Nguyên Bình| 24/05/2019 16:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp sáng nay 24/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 151 Điều, quy định về việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Xử lý đối với người chậm nộp thuế

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, những nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: tính cụ thể của dự thảo luật; phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý thuế; những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Cùng với đó là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; đăng ký thuế; khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; nộp thuế; khoanh nợ, xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt...

Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho hay, một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc chính về các tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế, trên cơ sở đó giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định cụ thể.

Tăng cường quản lý chống thất thu thuế, tạo thuận lợi cho người dân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp

UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung theo hướng quy định một số nguyên tắc chính về các tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và giao Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, có ĐB cho rằng, quy định khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại do chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp là chưa phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp.

Để bảo đảm phù hợp với Luật Doanh nghiệp về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính của từng chủ thể khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu theo hướng dẫn chiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp về từng loại hình doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với phần thuế nợ khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Hình thức xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế nhiều ý kiến cho rằng, tiền nộp chậm chỉ 0,03%/ngày là quá thấp với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng. Một số ý kiến đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5% mỗi ngày nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm.

Theo UBTVQH, trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan, do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày).

Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Cân nhắc về thẩm quyền thu, xóa nợ thuế

Về áp dụng các biện pháp trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, có ý kiến đề nghị làm rõ dấu hiệu trốn thuế có tính chất phức tạp để đảm bảo xác định được căn cứ khi thực hiện các biện pháp thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế hoặc không cần quy định điều này trong dự thảo luật.

Tăng cường quản lý chống thất thu thuế, tạo thuận lợi cho người dân

ĐB Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu) phát biểu thảo luận

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho biết ông cơ bản thống nhất với dự thảo Luật, nhưng đề nghị quy định lại khoản 2 Điều 16: người nộp thuế được đối chiếu, giải trình, cung cấp bổ sung hồ sơ trước khi cơ quan thanh tra, kiểm toán ra kết luận có liên quan để tránh khiếu kiện, khiếu nại.

ĐB cho rằng, quy định việc đăng ký tạm dừng kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, chỉ điều chỉnh các vấn đề về quản lý thuế, đăng ký thuế, nộp thuế trong trường hợp tổ chức, cá nhân tạm dừng kinh doanh. Vì vậy đề nghị điều chỉnh lại theo hướng quy định về đăng ký thuế trong trường hợp tạm ngừng hoạt động.

ĐB Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu) cho rằng, quy định thẩm quyền xóa nợ theo dự thảo Luật bao gồm: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ có phần thiếu khách quan.

Bởi vì trước đây, đã có đề xuất để Cục trưởng Cục Thuế cũng có thẩm quyền xóa nợ nhưng đã được bỏ. Điều này theo ông là hợp lý. Hiện dự thảo Luật vẫn để thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa thu vừa xóa nợ thuế, nên đề nghị cân nhắc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến việc trong quá trình thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nếu phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng, thực tiễn, khi cơ quan thuế chấp hành các kết luận kiểm toán, thanh tra để ra quyết định thu thuế thì nhiều trường hợp khiếu kiện, khiếu nại. Nhiều người chấp hành tốt nhưng có trường hợp kiện ra Tòa về quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế, chứ không phải của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ. Như vụ việc của Unilever, Kiểm toán Nhà nước đưa ra số liệu truy thu thuế ban đầu là hơn 870 tỷ đồng, lần 2 là hơn 500 tỷ đồng, lần 3 hơn 300 tỷ đồng. Từ đó theo Bộ trưởng, nếu cơ quan thuế truy thu hơn 870 tỷ đồng thì phía bị kiện chính là cơ quan thuế.

Liên quan vụ việc Unilever, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, Thanh tra Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thanh tra và kiến nghị truy thu 383 tỷ đồng. Phía Unilever cũng đã nộp số tiền trên. Nhưng khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm tra lại và kiến nghị truy thu 882 tỷ đồng, nên đã yêu cầu Cục Thuế TP Hồ Chí Minh giải thích.

Đoàn thanh tra của Cục Thuế đã giải trình do đoàn căn cứ vào số liệu doanh nghiệp tự tính toán, chưa kiểm tra, rà soát các hồ sơ tài liệu liên quan. Tuy nhiên, sau đó, Unilever có khiếu nại và cung cấp thêm hồ sơ mở rộng vụ việc. Đây là những hồ sơ chưa được giám định nhưng nếu căn cứ vào các tài liệu này, thì số truy thu là 575 tỷ đồng. Sau đó, Uinlever đã làm việc với Kiểm toán, cơ quan Thuế và chấp nhận nộp 384 tỷ đồng và không tính chậm nộp.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ nghiêm túc phối hợp với cơ quan thẩm định để nghiên cứu tiếp thu giải trình các ý kiến của các ĐB. Sẽ tiếp tục rà soát với hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo chặt chẽ, khả thi trong thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tăng cường quản lý chống thất thu, trốn thuế, chuyển giá, đảm bảo quản lý được các phương thức quản lý kinh doanh mới hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý chống thất thu thuế, tạo thuận lợi cho người dân