Quảng Ninh là một trong 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả đầu ra (gọi tắt là PforR) từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hơn 3 năm triển khai đến nay Quảng Ninh đã đưa vào vận hành 9/10 công trình cấp nước tập trung, cung cấp nước sạch cho 95.000 người dân trong tỉnh, bước đầu đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch, cải thiện điều kiện sống dân sinh và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
PforR là chương trình được thực hiện thí điểm lần đầu tiên ở Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2018 trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Tại Quảng Ninh, chương trình sẽ đầu tư xây dựng mới 36.000 điểm đấu nối nước hộ gia đình. Trong đó, chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 là 8.000 điểm đấu nối, năm 2015 là 10.000 điểm đấu nối, năm 2016 là 10.000 điểm đấu nối và năm 2017 là 8.000 điểm đấu nối. Tổng kinh phí thực hiện của chương trình là 420 tỷ đồng cho 10 công trình cấp nước thuộc các địa phương: Đông Triều, Tiên Yên, Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Đến thời điểm này, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đang triển khai đầu tư 10 dự án sử dụng vốn vay WB, hiện hoàn thành đưa vào sử dụng 5 dự án, gồm các công trình cấp nước: Hồng Thái Đông - Hồng Thái Tây (TX Đông Triều); xã Thuỷ An (TX Đông Triều); xã Hiệp Hoà.
(Một trong những công trình đã được trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng. - Ảnh Quang Thái)
Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có địa bàn thi công trải rộng, theo tuyến, có nhiều vị trí giao cắt với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, như đường bộ, đường sắt, cáp thông tin, đường ống xăng dầu..., cho nên quá trình thi công gặp nhiều vướng mắc liên quan đến GPMB, đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Đặc biệt, nguồn thu phí sử dụng nước từ các trạm cấp nước thấp không đủ để chi trả lương cho công nhân cũng như mua hóa chất. Do vậy, công tác quản lý sau đầu tư các trạm cấp nước gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể thấy, từ khi các công trình cấp nước sạch được đưa vào vận hành đã cung cấp nước ổn định đến từng hộ gia đình, chất lượng nước được đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn; giảm các dịch bệnh do sử dụng nước không hợp vệ sinh gây ra, nhất là ở phụ nữ và trẻ em; tạo thói quen cho người dân dùng nước sạch cho sinh hoạt từ đó có ý thức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình trong giai đoạn mới, cũng như hướng tới mục tiêu tăng số lượng hộ tiếp cận nguồn nước sạch bền vững, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh, trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ninh mong muốn nhận được sự phối hợp, tham gia tích cực và tạo điều kiện của các cấp chính quyền, người dân các xã trong vùng dự án trong việc giám sát chất lượng thi công của cộng đồng.
Đồng thời, huy động nguồn kinh phí xây dựng công trình, phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2018 là nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 90% lên hơn 95%, góp phần cải thiện đời sốngngười dân, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Để chủ trương cải thiện chất lượng nước và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua chương trình đạt hiệu quả cao, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp chính quyền cơ sở. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống; gắn kết và nâng cao trách nhiệm cộng đồng.