Bảo vệ Blouse trắng - Bảo vệ thầy thuốc và người bệnh
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:02, 29/10/2019
Số vụ bạo hành nhân viên y tế có xu hướng tăng
Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến hết năm 2016, cả nước ghi nhận ít nhất 22 vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế. Năm 2017, có tổng cộng 13 vụ. Năm 2018 đã xảy ra nhiều vụ tấn công thầy thuốc nghiệm trọng, trong đó nhiều vụ việc côn đồ vào tận bệnh viện tấn công cả bệnh nhân và thầy thuốc…
Từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 20 vụ bạo hành bệnh viện, tập trung chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 4 bác sĩ, 15 điều dưỡng và một bảo vệ bị hành hung.
Đã có 2 trường hợp đoàn viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sĩ Trần Văn Giàu, Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) năm 2012; mới đây nhất là một đoàn viên là nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn (Quảng Nam) do ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.
“Chính vì vậy, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bạo hành là trách nhiệm không chỉ của người sử dụng lao động, người lao động, các cấp công đoàn, mà còn của các bộ, ngành, cấp chính quyền. Các cơ quan truyền thông cần lên tiếng để cán bộ y tế yên tâm làm tốt công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh”, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh.
Bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Làm rõ hơn thực trạng này, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, bệnh viện là môi trường có tính đặc thù cao vì quá tải bệnh nhân, cơ sở hạ tầng kém, thiếu nhân lực y tế và dễ xảy ra những sự cố y khoa.
Cùng với đó, tình trạng trộm cắp, cò mồi, bắt cóc trẻ sơ sinh, người nhà bệnh nhân sử dụng ma túy, say rượu… hành hung y, bác sĩ… đang ngày càng gia tăng. Trong đó, những nhân viên y tế mới, ít kinh nghiệm ứng xử dễ bị gặp bạo hành tại bệnh viện hơn.
Trong số các vụ bạo hành y tế, 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
“Hiện, có hơn 1.400 bệnh viện, 339.000 lượt bệnh nhân và hơn 500.000 nhân viên y tế, mỗi năm có khoảng 160 triệu lượt người khám và 27 triệu người bệnh điều trị nội trú. Đây là sức ép khá lớn đối với các nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế không đảm bảo đủ sức khỏe thì không thể chăm sóc tốt cho người bệnh.
Trên thế giới, nhân viên y tế bị bạo hành gấp 4 lần so với ngành nghề khác. Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc.
“Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng chưa mang tính răn đe cao. Nhiều nước chỉ cần có lời nói mang tính gây hấn với nhân viên y tế là bị giam giữ. Trong khi pháp luật nước ta chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nặng, nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện”, ông Khoa nhấn mạnh.
2.000 y bác sĩ mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo
Chia sẻ thêm tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng cho hay, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta hiện nay thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Họ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý, stress…
Trong đó, các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp. Theo thống kê sơ bộ của Công đoàn Y tế Việt Nam ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đã có gần 2.000 đoàn viên là cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Hiện nay, danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung sau 23 năm ban hành, nên nhiều cán bộ y tế chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng từ các danh mục này.
Môi trường bệnh viện với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Ảnh minh họa
Đề cập đến vấn đề này, theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cán bộ y tế đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ chứa mầm bệnh, stress nghề nghiệp, làm ca, trực đêm, gặp nhiều nguy cơ bị bạo hành khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân…
“Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vi sinh vật dễ mắc bệnh lao nghề nghiệp, viêm gan B, C, nhiễm HIV, bệnh leptospira nghề nghiệp. Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý dễ mắc phóng xạ, điếc do tiếng ồn và đục thủy tinh thể. Nhóm bệnh liên quan do cả yếu tố hóa học, bụi dễ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, hen nghề nghiệp…”, ông Hải nói.
Một nghiên cứu được khảo sát trên diện rộng cho thấy, có tới 28,6% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và 25,6% hệ dự phòng mắc bệnh mãn tính; 17,2% thuộc hệ điều trị dự phòng mắc các bệnh lây nhiễm trong thời gian làm việc; 57,3% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và hệ dự phòng bị tổn thương do bệnh xâm nhập khi tiêm và có nhiều bệnh lý nghiêm trọng và các bệnh chuyển hóa khác.
Sau khi nghe các thông tin nói tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam bày tỏ quan điểm, y tế là một ngành nghề quá vất vả, lao động cật lực, nguy cơ rủi ro cao và đời sống rất khó khăn, đặc biệt ở tuyến cơ sở.
Ngành y tế hiện nay do thiếu nhân lực và đặc biệt là thiếu nhân lực cục bộ nên nhiều nhân viên y tế phải làm việc với một điều kiện yêu cầu hết sức căng thẳng, nhiều người phải tiến hành mổ hàng chục giờ. Đó là điều đáng suy nghĩ. Bởi vậy, sự hy sinh thầm lặng của họ cần được trân trọng, chia sẻ và cần cả xã hội bảo vệ để họ yên tâm làm tốt công việc của mình.
“Nếu có máy đo đếm về tâm lý môi trường của con người thì có lẽ môi trường tâm lý ở bệnh viện là đặc biệt nhất. Nhịp tim đập mạnh nhất có lẽ ở bệnh viện. Đây là môi trường thách thức và nhiều rủi ro cho nhân viên y tế.
“Hãy cùng nhau hành động “bảo vệ Blouse trắng”, để cán bộ, nhân viên y tế yên tâm làm tốt công việc của mình, bảo vệ sức khỏe của người dân được tốt hơn”, ông Ngọ Duy Hiểu kêu gọi.
Được biết, tới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm gia, giám sát và đưa ra phương án phòng bạo hành cho cán bộ y tế vào tiêu chí chấm điểm công đoàn cơ sở vững mạnh. Công đoàn cũng sẽ trao đổi thông tin hai chiều với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên công đoàn trong ngành y tế để kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền.