Suýt tử vong do uống cùng lúc 40 viên thuốc điều trị tâm thần
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:41, 25/08/2019
Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết, vừa tiếp nhận và cấp cứu kịp thời bệnh nhân T.T.H. (60 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) ngộ độc thuốc điều trị rối loạn tâm thần. Lúc vào viện, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu.
Theo lời kể của người nhà, ông H. đang điều trị rối loạn tâm thần sau di chứng chấn thương sọ não, uống nhiều loại thuốc, trong đó có Phenobarbital. Bệnh nhân uống thuốc theo toa bác sĩ chỉ định mỗi ngày một viên, bảo hiểm y tế chi trả.
Tuần trước, người nhà lãnh 45 viên thuốc Phenobarbital 0,1g. Sau khi uống được 5 viên trong 5 ngày, gia đình phát hiện bệnh nhân lơ mơ nằm trên giường, kế bên là lọ thuốc Phenobarbital đã hết, không có thuốc rơi vãi xung quanh. Nghi ngờ bệnh nhân uống khoảng 40 viên Phenobarbital nên người nhà đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115.
Bệnh nhân 60 tuổi ngộ độc thuốc Phenobarbital.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc tiếp tục điều trị. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc Phenobarbital do tự ý trên bệnh nhân rối loạn tâm thần sau di chứng chấn thương sọ não.
Sau 8 giờ lọc máu hấp phụ, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo và được tập cai máy thở, rút ống nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội Tiêu hóa tiếp tục theo dõi, hiện tình trạng sức khỏe đã ổn định.
Theo bác sĩ Trần Huy Nhật - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, Phenobarbital nói riêng và nhóm thuốc hướng thần nói chung được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về rối loạn tâm thần và nhận thức.
Tuy nhiên, chính nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc này lại có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc/quá liều thuốc dù vô tình hay tự ý do họ không tự kiểm soát được hành vi bản thân. Vì thế cần bảo quản thuốc kỹ lưỡng, cho bệnh nhân uống thuốc theo toa của bác sĩ và đưa bệnh nhân đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
Trong trường hợp ngộ độc/quá liều, người thân cần phải xác định rõ bệnh nhân đã uống thuốc gì, số lượng, hàm lượng bao nhiêu, có uống thêm thuốc nào khác hay không. Các manh mối giúp gợi ý bao gồm, nhưng không giới hạn ở, số vỉ thuốc lọ thuốc xung quanh khu vực bệnh nhân ngộ độc, hỏi những nhà thuốc tây lân cận có bán thuốc cho bệnh nhân không, hình chụp thuốc bệnh nhân chia sẻ trên mạng xã hội,… Có đủ những thông tin trên sẽ giúp cho nhân viên y tế có hướng xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời.
Biện pháp sơ cứu ban đầu là uống than hoạt chỉ được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo.Vì thế khuyến cáo trong tủ thuốc của mọi gia đình nên có thêm than hoạt. Trong mọi trường hợp phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt. Càng để lâu cơ thể sẽ hấp thu thuốc càng nhiều và tình trạng ngộ độc sẽ nặng nề hơn.