TP.HCM khảo sát "trải nghiệm" người bệnh điều trị nội trú
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:20, 16/05/2019
Sở Y tế TP.HCM vừa triển khai khảo sát trải nghiệm của người bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện, nhằm giúp cho các bệnh viện cải tiến chất lượng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Theo đó, phiếu khảo sát trải nghiệm người bệnh đã được nhóm nghiên cứu của Sở Y tế phối hợp với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) xây dựng, thử nghiệm, hiệu chỉnh sau thời gian nghiên cứu.
Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, nhóm thực hiện đề tài đã tìm hiểu các công trình nghiên cứu trải nghiệm của người bệnh tại các nước trên thế giới. Những nghiên cứu đó được kết hợp với thực tiễn của các bệnh viện tại nước ta, nhất là tại TP.HCM để tiến hành xây dựng bộ câu hỏi khảo sát phù hợp với thực tế tại thành phố.
Ảnh minh họa
Việc khảo sát này sẽ được thực hiện tại các bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn TP.HCM, định kỳ ít nhất 2 lần/năm (6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm). Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện khảo sát định kỳ và thường xuyên mỗi tháng hoặc mỗi quý.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ được thực hiện khảo sát sau khi đã hoàn tất đầy đủ thủ tục xuất viện, chuẩn bị rời khỏi bệnh viện.
Như vậy, hiện nay ngành y tế TP.HCM đang thực hiện 3 hình thức gồm: Đường dây nóng, ki-ốt khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh khi đến khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện và phiếu khảo sát trải nghiệm người bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện.
Các biện pháp nhằm lấy ý kiến phản ánh của bệnh nhân để cải tiến chất lượng bệnh viện, khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến khích các bệnh viện sử dụng những thiết bị công nghệ kỹ thuật số (điện thoại di động thông minh, máy tính bảng,…) làm công cụ để khảo sát trải nghiệm của người bệnh, đảm bảo dữ liệu khảo sát có thể kết nối với phần mềm xử lý kết quả của Sở Y tế. Khuyến khích các bệnh viện học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về hoạt động khảo sát trải nghiệm của người bệnh và các giải pháp để trải nghiệm của người bệnh tăng theo chiều hướng tích cực.