Thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính 6 tỉnh, TP
Chính trị - Ngày đăng : 14:36, 11/02/2020
Các tỉnh thực hiện việc sắp xếp đợt này gồm: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng.
Theo đó, sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình từ 286 đơn vị giảm xuống còn 260 đơn vị.
Tỉnh Lào Cai: Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai từ 162 đơn vị giảm xuống còn 152 đơn vị (giảm 10 đơn vị).
Hà Nội: Không có đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp: 10 đơn vị. Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp số lượng đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội từ 584 đơn vị giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 05 đơn vị).
Cần Thơ: Không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện; Số lượng đơn vị hành chính cấp xã của thành phố từ 85 đơn vị sau khi sắp xếp giảm xuống còn 83 đơn vị (giảm 02 đơn vị).
Khánh Hòa: Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp từ 140 đơn vị giảm xuống còn 139 đơn vị (giảm 01 đơn vị).
Riêng đối với Cao Bằng, trước khi thông qua Nghị quyết, các thành viên UBTVQH thảo luận thêm về sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp huyện tại Cao Bằng.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, cơ quan này đồng ý với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện của Cao Bằng. Bộ Quốc phòng cũng đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến đồng thuận về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Đại diện Bộ Công an cũng cho biết đã có báo cáo tác động về mặt an ninh trật tự gửi Chính phủ thể hiện sự đồng thuận trước đó. Việc thực hiện sáp nhập không có khó khăn hay ảnh hưởng gì, tình hình an ninh đảm bảo, các cơ quan an ninh đều đồng thuận việc sáp nhập.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn cũng khẳng định: Việc sáp nhập đơn vị hành chính Cao Bằng thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Nên khi triển khai có nhiều thuận lợi. Quy trình, thủ tục Cao Bằng đã chuẩn bị đầy đủ, có sự tham khảo, học tập kinh nghiệm của các địa phương, nên đồng thuận trên 90%. Đến nay chưa nhận được ý kiến không đồng thuận nào của nhân dân. Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra tất cả các kịch bản để khắc phục khó khăn, nên thấy rằng sáp nhập là rất tốt, thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội và phát huy các lợi thế của Cao Bằng.
Phát biểu tại phiên họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, chủ trương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính của Trung ương, Quốc hội đã rõ ràng, các đơn vị đều thực hiện theo tinh thần chủ trương này. Riêng Cao Bằng, UBTVQH dành phần đầu buổi sáng nay để thảo luận thêm về việc sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp huyện.
Báo cáo thẩm tra và ý kiến các Bộ ngành cũng đã rõ, khi sáp nhập, ngoài việc phát triển kinh tế phải tính đến vấn đề an ninh quốc phòng và tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Không ai hiểu Cao Bằng hơn lãnh đạo, người dân tỉnh Bao Bằng. Đây là cơ sở để chúng ta xem xét việc này. Tuy nhiên chúng ta không cứng nhắc, thực hiện việc sáp nhập một cách hữu cơ. Nếu như lãnh đạo tỉnh đã nói sáp nhập các cặp này sẽ phát triển tốt hơn, an ninh quốc phòng tốt hơn thì cần phải xem xét, Chủ tịch nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nêu ý kiến: Căn cứ các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp, thấy rằng Chính phủ, địa phương làm rất tích cực công tác này. Lãnh đạo tỉnh cũng đã có những bước đi đúng đắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cũng nhất trí với cơ quan thẩm tra và các ý kiến phát biểu trước đó. Với Cao Bằng, một số ý kiến có chút băn khoăn vì đây là những huyện miền núi biên giới. Nhưng từ ngày phân giới cắm mốc đến nay các huyện này cơ bản phát triển ổn định; quan hệ an ninh biên giới ngày càng tốt đẹp. Vậy nên, chúng ta cũng không quá băn khoăn lo lắng vấn đề sáp nhập vì kinh tế-xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh, qua xem lại hồ sơ về việc thực hiện các bước sắp xếp thấy rằng các cơ quan đã làm cẩn thận, chặt chẽ, có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đề nghị địa phương làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân sau khi sáp nhập các địa phương phát triển tốt, vững mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát nêu rõ: UBTVQH hoan nghênh quyết tâm chính trị và cách làm nghiêm túc của các cơ quan thực hiện nghị quyết sắp sếp các đơn vị hành chính các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Để các đơn vị thực hiện tốt việc sắp xếp, chuẩn bị cho Đại hội đảng diễn ra tốt đẹp, đề nghị các địa phương cần chú ý công tác triển khai thực hiện sao cho hiệu quả; chế độ cho cán bộ, công chức tại các đơn vị được sắp xếp. Đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra công tác này tại các địa phương.
Sau khi hoàn thiện dự thảo, Nghị quyết ban hành có hiệu lực từ 1/3/2020.
Chiều qua 10/2, khi cho ý kiến về việc sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp huyện của Cao Bằng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến băn khoăn về việc sáp nhập, nên UBTVQH đã đề nghị Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và các cơ quan liên quan cho ý kiến thêm về vấn đề này.