Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: UBTVQH tán thành hầu hết các nội dung Tòa án trình

Chính trị - Ngày đăng : 16:47, 10/01/2020

Sáng nay 10/1, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

4 vấn đề Cơ quan quan thẩm tra xin ý kiến

Báo cáo một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, dự án Luật đã được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và đã được chỉnh lý, hoàn thiện. Hiện còn 4 nội dung còn có ý kiến khác nhau nên đề nghị UBTVQH cho ý kiến.

Thứ nhất là về phạm vi hoạt động của Hòa giải viên (HGV), đa số ý kiếncủa Thường trực UBTP và cơ quan chủ trì soạn thảo tán thành việc mở rộng phạm vi hoạt động của HGV, theo đó, ngoài hoạt động tại Tòa án nơi HGV được bổ nhiệm, HGV có thể hoạt động tại Tòa án khác nhưng phải trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án cấp tỉnh.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: UBTVQH tán thành hầu hết các nội dung Tòa án trình

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Quy định như vậy tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được HGV mà họ tín nhiệm. Đồng thời, với phạm vi hoạt động của HGV trong một đơn vị cấp tỉnh, thì Tòa án vẫn có điều kiện đánh giá, giám sát chặt chẽ chất lượng và kịp thời đề nghị Chánh án có thẩm quyền miễn nhiệm những HGV không đáp ứng yêu cầu công việc.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề nghị cân nhắc nên giữ lại như quy định của dự thảo Luật đã được TANDTC trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, theo đó các bên được lựa chọn HGV trong danh sách HGV của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

Thứ hai là về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tại kỳ họp thứ 8, đa số ĐBQH đề nghị không thu phí, chỉ nên thu ở một số trường hợp cụ thể.

Thường trực UBTP nhận thấy, ý kiến của ĐBQH là xác đáng. Do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, vì vậy trước mắt Nhà nước chưa nên thu chi phí để khuyến khích người dân lựa chọn.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng: Đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 03 trường hợp: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.

Thứ ba là thủ tục ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Thường trực UBTP và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được cân nhắc để quy định một cách kỹ lưỡng, có sự giám sát chặt chẽ của Thẩm phán nhằm bảo đảm căn cứ pháp lý vững chắc cho việc Thẩm phán ra Quyết định công nhận. Do đó, việc mở phiên họp để xem xét, ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là không cần thiết và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, làm mất tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp này.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, có đủ thời gian và đủ thông tin để Thẩm phán ra quyết định chính xác, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng: Nâng thời hạn chuẩn bị ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành từ 05 ngày lên thành 15 ngày để Thẩm phán có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; Trong thời hạn này, bổ sung cho Thẩm phán quyền yêu cầu các bên đương sự trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp các tài liệu làm cơ sở cho việc ra Quyết định công nhận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời Tòa án trong 05 ngày làm việc.

Thứ tư là việc xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Thường trực UBTP tán thành sự cần thiết phải có cơ chế xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, nhất là của người thứ ba.

Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, về người có quyền đề nghị, kiến nghị: quy định đương sự có quyền đề nghị, Viện Kiểm sát có quyền kiến nghị xem xét lại Quyết định; Thẩm quyền giải quyết: giao cho Tòa án cấp trên xem xét lại Quyết định này. Về trình tự, thủ tục xem xét lại Quyết định: sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, kiến nghị, Chánh án phải phân công Thẩm phán xem xét giải quyết, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán có quyền xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu và phải ra quyết định giải quyết.

Không thu phí hòa giải

Giải trình thêm một số vấn đề, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật sau khi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện đầy đủ. Triển khai công tác năm 2020 vừa qua, TANDTC đã quán triệt tất cả các Thẩm phán tinh thần chuẩn bị thực hiện Luật nay sau khi Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: UBTVQH tán thành hầu hết các nội dung Tòa án trình

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm nội dung là giao nhiệm vụ cho Thẩm phán thu thập tài liệu để xác minh thêm trước khi ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Đây là thủ tục quan trọng và cần thiết.

Giải trình thêm lý do quy định nội dung phạm vi hoạt động của HGV, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, về lâu dài nên tạo điều kiện cho người dân có thể lựa chọn HGV ở địa bàn khác nếu thấy phù hợp hoặc tin tưởng. Nhưng trước mắt TANDTC đề nghị là quận nào, địa bàn nào thì HGV hoạt động ở địa bàn quận đó. Bởi vì, Luật giao Chánh án căn cứ nhu cầu công việc đơn vị mình ấn định số lượng HGV, phù hợp với quy mô và vụ việc diễn ra theo tống kết hàng năm. Nếu đương sự lựa chọn HGV thì có thể gây ra sự thiếu thừa cục bộ.

Bên cạnh đó, phần lớn HGV là những người về hưu nên Luật đã quy định sau 2 năm phải bình xét, loại đi 10% những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ để bổ sung thay thế. Như vậy sẽ phải tiến hành bỏ phiếu sàng lọc, sẽ thiệt thòi cho những người hay làm việc ở địa bàn khác. 

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nhận định, đây là phương thức ưu việt và không mâu thuẫn với Bộ Luật tố tụng dân sự. Trước mắt, đồng ý như đề nghị của TANDTC, đảm bảo số HGV gắn với từng Tòa án, sau này hoạt động ổn định mới tính theo phương án không quản theo quận/huyện mà theo lãnh thổ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhận định: Đây là dự án Luật mới, trình lần đầu nên cần tiếp cận thận trọng từng bước. Trước mắt nên theo như trình của Tòa án là hợp lý. Về thu lệ phí, đồng ý như quan điểm trình của của TANDTC: Nhà nước không thu phí, chỉ thu 3 trường hợp như đã đề cập đến ở phần trên. Tuy nhiên, cần cân nhắc quy định liên quan đến khoản chi phí phiên dịch (Điều 9), chi phí phát sinh khi các bên đề nghị hòa giải bên ngoài Tòa án, nếu ngân sách chi một phần không hợp lý vì vậy nên cân nhắc quy định này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quy định tại dự thảo Luật. Nếu mở rộng phạm vi hoạt động của HGV ra ngoài địa bàn thì cần cân nhắc, vì chưa có thực tiễn để kiểm nghiệm, đánh giá tác động và sự cần thiết phải mở rộng phạm vi hay không. Theo Chủ tịch Quốc hội, chưa nên đặt ra vấn đề thu phí, vì chúng ta đang khuyến khích loại hình này. Nhưng có 3 loại cần phải thu để chia sẻ với ngân sách như dự thảo Luật là phù hợp.

Về công nhận kết quả hòa giải thành tại Điều 29, đây là việc tự nguyện của các bên nên cần đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cả Tòa án theo hướng: Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành và không cần phải mở phiên họp với các thành phần. Còn việc xem xét lại kết quả hòa giải thành cũng cần quy định chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số các ý kiến tán thành với dự thảo Luật. Đối với phạm vi hoạt động của HGV như dự thảo Luật quy định. Tuy nhiên đề nghị cân nhắc thêm, vì mỗi Tòa ở các quận tại các thành phố lớn với số lượng án lớn có thể ấn định được số HGV. Nhưng hầu hết những Thẩm phán, Kiểm sát viên giỏi khi về hưu làm HGV họ thường sinh sống ở những thành phố lớn, mà ít khi về các quận huyện hay vùng xa; Chỉ có Tòa ở thành phố lựa chọn được đội ngũ đó dễ dàng còn những nơi vùng xa, vùng sâu khó lựa chọn được những người giỏi để làm tốt thiết chế này. Đây là vấn đề mà TANDTC cần tính toán cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hộ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện dự án Luật này, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.

Mai Thoa