Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết quan trọng

Chính trị - Ngày đăng : 19:56, 14/06/2019

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ngày 14/6, Quốc hội đã thông qua 3 Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội; Nghị quyết liên quan vấn đề đất đai tại đô thị và Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98.

 Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Kết quả biểu quyết cho thấy: có 443/443 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,53% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết quan trọng

 

Nghị quyết quy định thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga làm Phó Trưởng Đoàn thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình làm Phó Trưởng Đoàn; Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải làm Phó Trưởng Đoàn.

Theo đó, Trưởng Đoàn giám sát chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về danh sách Ủy viên Đoàn giám sát.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan. Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2020; báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giúp Đoàn giám sát về những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Văn phòng Quốc hội giúp Đoàn giám sát về xây dựng chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.

Nghị quyết nêu rõ: theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện cụ thể tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề nói trên; gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát.

Để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trung ương và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Báo cáo nêu rõ, đến ngày 12/6/2019, Ban Thư ký đã nhận được 314 bản ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó 264 ý kiến hoàn toàn nhất trí với dự thảo Nghị quyết, 50 ý kiến cơ bản tán thành và góp ý trực tiếp vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết.

Về đánh giá kết quả thực hiện, có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá về việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài. Đối với đề nghị này của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua giám sát, một số địa phương phản ánh có hiện tượng người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài. Tuy nhiên, Đoàn giám sát chưa có thông tin chính thức về vấn đề này. Do vậy, để bảo đảm tính thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội không đưa nội dung này vào Điều 1 của dự thảo Nghị quyết mà đưa vào phần nhiệm vụ, giải pháp để trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, có ý kiến đề nghị không đặt ra yêu cầu thanh toán dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) bằng tiền trong Nghị quyết này mà để Chính phủ nghiên cứu phương án trong quá trình hoàn thiện Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện nội dung này như tại điểm c khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết.

Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết quan trọng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, có ý kiến đề nghị hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này kể từ năm 2020. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề”. Do đó, dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2020).

Ngoài ra, đối với những góp ý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản như tại điểm c, điểm d, điểm g, điểm h, điểm i Khoản 2 Điều 2…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Ngay sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị với 449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,77% % tổng số đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết. Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2020).

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết quan trọng

Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Dự thảo Nghị quyết

Tại phiên họp, với 452/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 100% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Theo đó, Nghị quyết quyết nghị:

Tại Điều 1 về gia nhập điều ước quốc tế, quyết nghị Gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (sau đây gọi tắt là Công ước số 98) được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua ngày 01 tháng 7 năm 1949 tại Geneva (Thụy Sỹ).

Tại Điều 2 về áp dụng điều ước quốc tế, áp dụng toàn bộ nội dung của Công ước số 98.  

Tại Điều 3 về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 tại Phụ lục 02 và các văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 98; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 98 để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đăng ký gia nhập Công ước số 98 và xác định thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam theo quy định của Công ước.

Tại Điều 4 về giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Nghị quyết giao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nhóm PV