Nữ nhà báo thắng vụ kiện hiếp dâm gây chú ý nhất tại Nhật Bản
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 06:47, 20/12/2019
Nữ nhà báo Shiori Ito, đã tố cáo một cựu phóng viên truyền hình đã hiếp dâm cô. Đây là một trong những vụ án gây sự chú ý nhất của phong trào #MeToo tại Nhật Bản.
Vụ án hiếp dâm của Shiori Ito gây sự chú ý ở Nhật Bản và nước ngoài
Vụ án này đã gây chú ý ở Nhật Bản và nước ngoài, vì rất hiếm nạn nhân hiếp dâm ở Nhật Bản dám lên tiếng tố cáo tội phạm với cảnh sát - theo một cuộc khảo sát năm 2017 của chính phủ, chỉ có 3% phụ nữ bị hiếp dâm dám lên tiếng tố cáo kẻ phạm tội.
Ito, 30 tuổi, đã trở thành một biểu tượng cho phong trào #MeToo tại Nhật Bản, nơi phong trào chống quấy rối và lạm dụng tình dục đã phải vật lộn để có thể duy trì.
Trước đó, Shiori Ito cáo buộc Noriyuki Yamaguchi, cựu phóng viên truyền hình có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Shinzo Abe, đã cưỡng hiếp cô sau khi mời cô đi ăn tối để thảo luận về cơ hội việc làm vào năm 2015. Shiori Ito kiện Noriyuki và đòi khoản bồi thường 11 triệu yên (100.000 đô la).
Yamaguchi phủ nhận mọi hành vi sai trái và đã đệ đơn kiện chống lại Ito, đòi cô bồi thường 130 triệu yên.
Cô cho biết cô hy vọng vụ việc sẽ thay đổi cái mà cô gọi là môi trường xã hội và pháp lý "kém phát triển" xung quanh nạn cưỡng hiếp ở Nhật Bản.
Nhật Bản đã tăng án tù tối thiểu cho những kẻ hiếp dâm từ ba đến năm năm và mở rộng định nghĩa về nạn nhân tấn công tình dục để bao gồm cả đàn ông lần đầu tiên vào năm 2017.
Các nhà lập pháp đã quyết định nhất trí sửa đổi đạo luật năm 1907 để áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với những kẻ tấn công tình dục và làm cho việc truy tố dễ dàng hơn.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới nhất về khoảng cách giới tính được công bố vào đêm trước của vụ việc đã xếp Nhật Bản đứng vị trí 121 trong số 153 quốc gia, thậm chí còn tụt xuống danh sách từ vị trí thứ 110 của năm trước.
Yamaguchi tuyên bố sẽ kháng cáo "ngay lập tức" chống lại phán quyết, nói rằng: "Tôi chưa làm bất cứ điều gì trái pháp luật".
Yamaguchi tuyên bố tòa án đã không thừa nhận sự không nhất quán và "sự giả dối" trong tranh luận của Ito trong khi bỏ qua các lập luận của riêng mình.
Yamaguchi nói rằng sự chú ý của truyền thông quốc tế đáng kể xung quanh vụ án có thể đã che mờ phán quyết của tòa án.
Ito đã lên tiếng vào năm 2017, ngay trước khi phong trào #MeToo xuất hiện và điều này "được xem là kỳ quặc, đặc biệt là ở Nhật Bản", cô nói.
Khi phong trào #MeToo nổi lên, "Tôi nghĩ rằng 'Không phải chỉ mình tôi!' và tôi tin rằng cũng có những người khác cũng nghĩ như vậy ", cô nói. Nhưng mọi thứ ở Nhật thay đổi rất chậm. "Tôi thấy phụ nữ ở châu Âu hoặc Hoa Kỳ tích cực thảo luận và đứng lên cùng nhau nhưng tôi không nghĩ điều đó có thể xảy ra ở Nhật Bản cùng một lúc," cô nói.
Ito nói rằng một vấn đề lớn trong truyền thông Nhật Bản là tỷ lệ nam giới nắm giữ các vị trí ra quyết định cao, nhưng cô nói thêm rằng tình hình đã bắt đầu thay đổi với những câu chuyện quấy rối ở nước ngoài được biết đến ở Nhật Bản và câu chuyện của cô được quốc tế quan tâm.
Ito nghi ngờ kẻ tấn công đã đánh thuốc mê cô và tuyên bố cảnh sát đã không thực hiện các xét nghiệm. "Khi tôi tỉnh lại, trong cơn đau dữ dội, tôi đang ở trong phòng khách sạn và anh ấy ở trên người tôi. Tôi biết chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi không thể xử lý nó." “Cảnh sát đã nói với tôi rằng họ sẽ bắt giữ Yamaguchi”, cô nói “nhưng sau đó lại đột ngột im lặng”.
Tòa án tuyên bố trong phán quyết bằng văn bản rằng cô đã "bị ép quan hệ tình dục mà không có biện pháp tránh thai, trong tình trạng bất tỉnh và say rượu nghiêm trọng".
"Chúng tôi thừa nhận rằng nguyên đơn vẫn tiếp tục phải chịu đựng những ký ức tồi tệ và sự hoảng loạn cho đến bây giờ," tòa án nói.