Ông chủ WikiLeaks đối mặt mức án 175 năm tù
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 16:48, 24/05/2019
Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 23/5 đã tiếp tục công bố 17 tội danh mới đối với Julian Assange, 47 tuổi, trong đó có 1 tội âm mưu nhận thông tin quốc phòng, 3 tội lấy thông tin quốc phòng và 13 tội tiết lộ thông tin quốc phòng.
Nếu bị kết án, Assange phải đối mặt với hình phạt tối đa là 10 năm tù cho mỗi tội danh mới này, The Guardian cho biết.
Hồi tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc người sáng lập WikiLeaks xâm nhập vào máy tính của chính phủ, liên quan đến vụ rò rỉ năm 2010. Assange có thể phải ngồi tù 5 năm nếu bị tòa án nước này phán quyết có tội.
Ngày 1/5 vừa qua, ông Assange đã bị tuyên phạt 50 tuần tù giam do vi phạm các điều khoản bảo lãnh của một tòa án Anh hồi năm 2012 khi ông tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh.
Người sáng lập Wikileaks Julian Assange
Julian Paul Assange là một lập trình viên người Úc, và là người sáng lập đồng thời là giám đốc của WikiLeaks. WikiLeaks là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, chuyên đăng tải các nội dung được gửi đến vô danh và các thông tin rò rỉ của các loại tài liệu chưa công bố khác nhưng vẫn giữ gìn tính nặc danh của nguồn tin.
Trước khi bị cảnh sát Anh bắt giữ vào ngày 11/4, Assange ở trong sứ quán Ecuador với tư cách là người xin tị nạn, và đã sống trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012. Theo các tài liệu, Assange xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London vào năm 2012 với mục đích để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển, nơi nhà chức trách cần điều tra ông liên quan đển một cáo buộc tấn công tình dục.
Mặc dù Thụy Điển sau đó đã ra quyết định hủy cuộc điều tra này vào năm 2017, nhưng Assange vẫn đối mặt với cáo buộc của Anh do trốn nộp tiền bảo lãnh và không xuất hiện trước tòa. Sau khi được Ecuador chấp nhận đơn xin tị nạn chính trị, Assange đã "cố thủ" trong đại sứ quán nước này ở London suốt 7 năm qua. Và việc Assange bị cảnh sát Anh bắt hôm 11/4, theo các tài liệu, là do vi phạm quy định được tại ngoại ban đầu ở London.
CNN cho biết, Assange luôn lo sợ bị dẫn độ tới Mỹ vì những công việc ông làm tại WikiLeaks. Một phần trong đó là cuộc chiến kéo dài gần chục năm giữa Bộ Tư pháp Mỹ với Assange và WikiLeaks bắt đầu ít nhất từ năm 2010, khi trang web này đăng hàng nghìn tài liệu do một người tên là Chelsea Manning - từng là nhân viên phân tích tình báo của quân đội Mỹ - ăn cắp.
Assange thành lập WikiLeaks vào năm 2006 và được quốc tế chú ý vào năm 2010 khi WikiLeaks công bố một loạt các rò rỉ do Chelsea Manning - từng là nhân viên phân tích tình báo của quân đội Mỹ - ăn cắp, cung cấp. Đáng chú ý, những rò rỉ này bao gồm video Giết con tin (tháng 4 /2010), Nhật ký chiến tranh Afghanistan (tháng 7/2010), Nhật ký chiến tranh Iraq (tháng 10/2010) và CableGate (tháng 11/2010). Sau vụ rò rỉ năm 2010, chính phủ liên bang Mỹ đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với WikiLeaks và yêu cầu các quốc gia đồng minh hỗ trợ.
Assange đã bị đưa vào tầm ngắm của các công tố viên trong nhiều năm vì việc WikiLeaks tiết lộ hàng ngàn tài liệu mật của chính phủ liên bang Mỹ. Một nguồn tin vào tháng 11/2018 tiết lộ, Bộ Tư pháp Mỹ đã bí mật tiến hành truy tố ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks; và gọi động thái này là dấu mốc cho thấy “sự leo thang quyết liệt” trong cuộc chiến kéo dài hàng năm trời của Washington nhằm vào ông Assange và WikiLeaks. Theo New York Times, Bộ Tư pháp Mỹ lâu nay đã “nghiên cứu cách truy tố” Assange hoặc WikiLeaks với một tội danh hình sự nào đó, kể từ khi trang web WikiLeaks bắt đầu công bố kho tài liệu quân sự và ngoại giao bí mật mà họ thu thập được. Và cuộc tranh luận về việc liệu có truy tố ông Assange hay không đã tiếp tục dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.