Cần có biện pháp mạnh hơn với tội phạm ma túy

Chính trị - Ngày đăng : 18:04, 22/05/2019

Nội dung trên là một trong những ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐB) đề cập đến trong buổi thảo luận tại tổ sáng 22/5 về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) những tháng đầu năm 2019 và cả năm 2018 của Quốc hội.

Dễ cho bộ, ngành nhưng khó cho doanh nghiệp

Báo cáo của Chính phủ về tình hình KTXH những tháng đầu năm 2019 và cả năm 2018 cho thấy, tình hình KTXH có chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số Quốc hội giao.

Việc xây dựng thể chế, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó là tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở; Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt; ban hành và chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Cần có biện pháp mạnh hơn với tội phạm ma túy

Quang cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Tuy nhiên, thảo luận tại tổ, các ĐB đã chỉ ra những bất cập, hạn chế. Đó là kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Việc xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn. Quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn bất cập. Tăng trưởng một số ngành, lĩnh vực có xu hướng chậm lại. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn; dịch tả lợn châu Phi lan rộng và tình trạng nắng nóng, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

ĐB Trương Văn Nọ (Long An) cho rằng, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận về tăng trưởng kinh tế như trên, có một số vấn đề cần sự vào cuộc của các bộ, ngành. Đó là, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Theo báo cáo của Chính phủ thì đã thực hiện hiệu quả, nhưng qua tiếp xúc cử tri thấy rằng, chất lượng CCHC chưa đạt hiệu quả; tháo gỡ chính sách này nhưng lại buộc chính sách khác, gây khó khăn cho DN. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, nhất là những quy định mới mà bộ, ngành mới ban hành. Các quy định thường dễ cho bộ, ngành quản lý nhưng gây khó khăn cho người dân, DN- ĐB nêu.

Một vấn đề  nữa mà cử tri quan tâm là việc tăng giá điện. Bộ Công Thương trả lời theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng thực tế cách tính tiền điện như vừa qua dân không hiểu được, thu thực tế tăng quá nhiều không giống như con số mà Bộ đưa ra. Chính phủ cũng đã chỉ đạo, thành lập các đoàn thanh tra nhưng hiện nay chưa có kết quả, nên thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát vấn đề này.

Cần thay đổi chính sách phi hình sự hóa

Nền kinh tế không thể phát triển toàn diện nếu tình hình an ninh, trật tự không đảm bảo, tỷ lệ tội phạm gia tăng. Nhiều ĐB rất lo lắng về tình trạng này hiện nay.

Cần có biện pháp mạnh hơn với tội phạm ma túy

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ sáng 22/5

ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) đánh giá: Tình hình tội phạm nổi lên gần đây rất đáng báo động, nhất là những vụ trọng án xảy ra như vừa qua ở Bình Dương; rồi tình trạng con giết mẹ, giết dì…chưa từng xảy ra từ trước tới nay. Qua các vụ án cho thấy, nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội không phải là đối tượng phòng ngừa của Công an nên cần có sự phối hợp giữa ngành chức năng, vì đây là một dạng tội phạm rất khó phòng ngừa ngay từ đầu.

Theo ĐB, trong rất nhiều nguyên nhân các loại tội phạm gia tăng, có nguyên nhân từ ma túy. Ma túy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, gây nên nhiều hiểm họa cho xã hội nhưng chúng ta mới chỉ xử lý được phần ngọn. Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, số người nghiện trong diện quản lý khoảng 225.000 đối tượng nhưng thực tế, con số này đông hơn rất nhiều.

ĐB nhận định: Đối tượng sử dụng, buôn bán ma túy hiện nay là rất lớn. Ma túy vào Việt Nam bằng nhiều con đường, cả hàng không và đường biển, biên giới. Gần đây chúng ta khám phá hàng ngàn vụ với lượng ma túy lớn, nhiều chủng loại khác nhau, có cả các đối tượng người nước ngoài móc nối với trong nước để đưa ma túy vào Việt Nam. Do vậy, Chính phủ phải có chính sách phòng ngừa vấn đề này, ĐB đề nghị.

Cần có biện pháp mạnh hơn với tội phạm ma túy

Đại biểu Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu tại buổi thảo luận

Một vấn đề nữa cũng hết sức “nóng” mà ĐB Bùi Ngọc Quân đề cập đến là vi phạm về an toàn giao thông, gây tai nạn thời gian qua. Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thảm khốc, chết nhiều người do lái xe gây ra. Vậy nên chúng ta phải xem xét lại cách quản lý, chế tài đối với vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông; siết chặt công tác đào tạo lái xe làm sao kiểm soát được tình trạng lái xe nghiện rượu, nghiện ma túy.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ lo lắng khi đề cập đến tình trạng nghiện ma túy và tội phạm ma túy đang hoành hành hiện nay. Đây là loại tội phạm gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và đẩy lùi phát triển kinh tế của đất nước.

Theo ĐB, hiện có nhiều loại ma túy mới cực độc đã tràn vào Việt Nam, chỉ dùng 1 lần có thể gây ảo giác cực mạnh. Trong khi đó, cai nghiện tại cộng đồng hiện không hiệu quả, con số tái nghiện lớn. Hiện có khoảng 225 ngàn người nghiện có hồ sơ quản lý, nhưng con số thực tế ở ngoài lớn hơn rất nhiều. Tình trạng này có nguyên nhân từ năm 2009 đến nay, chính sách hình sự của nước ta đã không coi người sử dụng ma túy là tội phạm (chính sách phi hình sự hóa, coi người nghiện là tệ nạn, là loại bệnh phải chữa trị lâu dài). Chính vì luật pháp phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nên số người nghiện ma túy tăng nhanh.

 ĐB Liên cho rằng, chúng ta phải suy nghĩ về chính sách này đã phù hợp hay chưa? Số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm ma túy tăng nhanh là vì đâu?. Luật pháp phi hình sự hóa việc sử dụng ma túy nên khó chặn được nguồn cung của người nghiện và sử dụng. Thực tế vừa qua nhiều quán karaoke, vũ trường sử dụng ma túy tập thể mà không xử lý được, chỉ xử lý người tổ chức sử dụng cũng vì nguyên nhân này… Chính sách cai nghiện tại cộng đồng hiện nay không như mong muốn, vì không có bộ máy, thiếu nhân lực. Hiện còn rất nhiều người nghiện ngoài xã hội, con số này là nguyên nhân gây ra các loại tội phạm thời gian qua.

Từ thực tế trên, ĐB Liên kiến nghị cần tăng cường biện pháp quản lý nhà nước với người nghiện, nắm chắc số người nghiện, cai nghiện tại địa phương. Cùng với đó, cần phải trở lại chế tài xử lý hình sự đối với người sử dụng ma túy để chặn nguồn cung-cầu từ đây. Cử tri đề nghị Quốc hội phải có giải pháp mạnh với ma túy vì rất nghiêm trọng trong giai đoạn này; xã hội hóa cai nghiện; bãi bỏ chính sách cai nghiện tại cộng đồng để tập trung cai nghiện bắt buộc và tiếp tục mạnh tay hơn, và hỗ trợ sinh kế cho người nghiện.

Nguyên Bình