Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả vỡ đập thủy điện

Chính trị - Ngày đăng : 08:44, 25/07/2018

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu.

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả vỡ đập thủy điện

Chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi đảng ủy, các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, quan chức cảnh sát và quân đội cũng như người dân quyên góp hỗ trợ cho các nạn nhân những nhu yếu phẩm như quần áo, thực phẩm, nước uống, thuốc men, tiền mặt.  Ảnh: Reuters

Ngay sau khi có thông tin  vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu, Lào,  ngày 24/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Điện thăm hỏi gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisulith; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện thăm hỏi gửi Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisulith và khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin về người Việt Nam hoặc kiều bào tại khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ khi có người bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp cần thiết, đề nghị liên hệ số điện thoại bảo hộ công dân tại Lào 008562096106775 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân 0084981848484.

Liên quan đến tình hình 26 công nhân của Công ty Hoàng Anh Gia Lai (Việt Nam) bị cô lập tại huyện Paksong, tỉnh Champasak do ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện tại Sepien Senamnoi, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Nam Lào vẫn ổn định.

Sáng 25/7, anh Nguyễn Nhật Hoá, Giám đốc công ty Đại Thắng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, phụ trách Nông trường 4 nơi các công nhân đang mắc kẹt, cho biết tình hình 26 công nhân gồm 25 người Lào và 1 người Việt vẫn ổn và rất phấn chấn khi nghe tin sẽ sớm được cứu.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hiện đã hợp đồng xong với Công ty dịch vụ bay Lào, và máy bay trực thăng đang di chuyển từ Vientiane xuống. Dự kiến khoảng 10 giờ sáng 25/7 sẽ đưa 26 công nhân ra.

Ngày 24/7, Hãng Thông tấn Lào KPL đưa tin hàng trăm người đã mất tích và một số người được cho là đã thiệt mạng sau khi xảy ra thảm họa vỡ đập thủy điện tại Đông Nam nước này.

Vụ vỡ đập xảy ra tại công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, thuộc tỉnh Attapeu vào tối 23/7, khiến khoảng 5 tỷ mét khối nước tràn xuống hạ lưu.

Vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy đã khiến 6 ngôi làng ở Sanamxay bao gồm Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, Samong chìm trong biển nước. Theo KPL, thảm họa đã khiến hàng trăm người mất tích, khoảng 1.300 hộ dân mất nhà cửa.

Chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ các lực lượng để tham gia tìm kiếm những người còn mất tích.Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại do đường sá đi lại rất khó khăn. Ban cứu hộ trung ương đang phối hợp với cơ quan các tỉnh Xekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch cứu hộ, tiếp tế lương thực thực phẩm...

Đến sáng ngày 25/7 nước ở khu vực vẫn cao và chưa có dấu hiệu rút. Theo thống kê của văn phòng Thủ tướng Lào thời điểm này có 34 người mất tích. Hơn 1.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng.

Trước đó, theo giới chức địa phương, có 18 thi thể đã được tìm thấy, không phải 28 thi thể như thông tin ban đầu.

Nguyên nhân vỡ đập được xác định là do mưa lớn trong nhiều ngày.

Theo KPL, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith đã phải hoãn cuộc họp thường kỳ của chính phủ để tới thị sát và chỉ đạo khắc phục sự cố, cũng như cứu trợ cho các đồng bào bị lũ lụt.

Công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy hoàn tất báo cáo tác động môi trường năm 2008, khởi công năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Dự án có tổng giá trị 1,2 tỷ USD, được thực hiện theo hình thức BOT do liên doanh gồm một số công ty Hàn Quốc, Thái Lan và một công ty điện lực Lào vận hành.

Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Theo kế hoạch, con đập trên sẽ xuất khẩu 90% lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước.

 

Trọng Bằng