'Sao Mai' Đinh Trang 'Hát đợi anh về' theo phong cách opera cổ điển
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 07:41, 29/08/2019
Đây là sản phẩm âm nhạc được phát hành nhân dịp chào mừng Quốc khánh 2/9, đồng thời đánh dấu 10 năm theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp của Đinh Trang.
Album Hát đợi anh về gồm 10 bài hát cách mạng: Tình em (Lời: Ngọc Sơn, nhạc: Huy Du, phối khí: Trần Mạnh Hùng), Người con gái sông La (Tác giả: Doãn Nho, phối khí: Trần Mạnh Hùng), Tiếng đàn Ta lư (Tác giả: Huy Thục, phối khí: Trần Đức Minh), Mẹ yêu con (Tác giả: Nguyễn Văn Tý, phối khí: Phan Cường), Miền xa thẳm (Tác giả: Đức Trịnh, phối khí: Trần Mạnh Hùng), Hát đợi anh về (Tác giả: Xuân Thủy, phối khí: Cao Xuân Dũng), Mùa xuân trên quê hương (Tác giả: Hoài Mai, phối khí: Trần Mạnh Hùng), Bài ca thống nhất (Tác giả: Võ Văn Di, phối khí: Trần Mạnh Hùng), Bài ca hy vọng (Tác giả: Văn Ký, phối khí: Trần Đức Minh), Áo mùa đông (Tác giả: Đỗ Nhuận, phối khí: Cao Xuân Dũng). Trong đó, ca khúc Mùa xuân trên quê hương được ca sĩ Đinh Trang song ca cùng NSƯT Đăng Dương.
Sao Mai Đinh Trang
Điều đặc biệt, các ca khúc cách mạng trong album được Đinh Trang hát theo phong cách kỹ thuật opera cổ điển. Đây là nét khác biệt so với nhiều ca sĩ hiện nay. Trong khi mọi người tìm cách “mềm hóa” thính phòng bằng lối hát pha trộn bán cổ điển, dân gian và thậm chí là nhạc nhẹ thì Đinh Trang lại chọn cách hát đúng tinh thần, kỹ thuật của opera.
Album chở ước mơ của 10 năm học thanh nhạc
Ca sĩ Đinh Trang sinh năm 1988 ở Nghi Hải, Cửa Lò, Nghệ An. Năm 2009, cô thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và được NSND Trung Kiên nhận làm học trò. Cô sở hữu giọng hát tròn, vang, âm sắc đẹp và sang trọng. Năm 2013, cô giành ngôi Á quân cuộc thi Sao Mai dòng Thính phòng. Đầu năm 2016, cô ra mắt album đầu tay Bến xưa. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi, tại sao sản phẩm âm nhạc đầu tiên của Đinh Trang lại là album phong cách dân gian chứ không phải dòng thính phòng mà cô đang theo đuổi.
Đinh Trang tại buổi họp báo ra mắt album "Hát đợi anh về" chiều ngày 28/8 ở Hà Nội
Lý giải về điều này, Đinh Trang cho biết, là một người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất của những câu hò, điệu ví, chất dân gian xứ Nghệ đã là máu thịt của cô. Nhưng điều quan trọng hơn cả, vào thời điểm ấy cô không đủ tự tin để ra mắt một album thính phòng. Lúc đó Đinh Trang đã tốt nghiệp đại học thanh nhạc, đã được ghi nhận trong một cuộc thi âm nhạc lớn như Sao Mai, nhưng cô tự thấy rằng giọng hát của mình mới chỉ đẹp và khỏe song chưa đủ chiều sâu và sự trải nghiệm. Cô không ngừng luyện tập, tìm đến các giáo viên bậc thầy trong đào tạo thanh nhạc để học hỏi. Cô cũng không tranh thủ chạy sô để kiếm tiền mà tập trung cho việc học. Cuối năm 2018, Đinh Trang tốt nghiệp thạc sĩ thanh nhạc với điểm 10 tròn trịa, cao nhất khóa cao học 2016-2018 của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Với Đinh Trang, âm nhạc thính phòng là một thánh đường nghệ thuật đúng nghĩa. Mục đích cuộc sống của cô không phải là kiếm nhiều tiền, là hưởng thụ và thỏa mãn bản thân ở khía cạnh vật chất. Điều làm cô cảm thấy thoải mái, đủ đầy, tràn trề năng lượng và thực sự hạnh phúc là được tiếp thu và được dấn thân vào dòng nhạc cổ điển, được khám phá, được chinh phục nó. Và album Hát đợi anh về thực sự là một sản phẩm âm nhạc tâm huyết, chứa đựng những ấp ủ, khát khao và nỗ lực của suốt 10 năm bước chân theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp của Đinh Trang.
Hát ca khúc cách mạng bằng sự tươi mới, nhẹ nhõm
Thực hiện album với những ca khúc cách mạng quen thuộc, đã được nhiều giọng ca gạo cội hát thành công, nhưng Đinh Trang không vì thế mà cảm thấy áp lực. Cô nghĩ rằng khi cái tâm của mình muốn hát và có ý thức kết nối, giữ gìn những ca khúc cách mạng thì mình nhất định vượt qua được những trở ngại. 10 năm học tập miệt mài và tích lũy, cô tin mình sẽ hát bằng trái tim, bằng cảm xúc của người trẻ và thổi được vào ca khúc một tinh thần mới với niềm tự hào dân tộc của ngày hôm nay. Theo cô, mỗi thế hệ đều có một phong cách, quan điểm sống khác nhau và mỗi tác phẩm âm nhạc kinh điển luôn sống mãi với thời gian chính là vì những người trẻ luôn có ý thức tìm tòi, phát triển nó.
Đinh Trang cất lên những ca khúc cách mạng kinh điển không phải với tâm thế của những nghệ sĩ đang chịu cảnh mưa bom bão đạn mà là của người trẻ đang sống trong hòa bình, hạnh phúc. Chẳng hạn ở Bài ca hy vọng, cô hát bằng sự tươi mới, tươi vui, yêu đời, đầy tự hào về quê hương đất nước, hướng đến xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, bình yên. Ở Miền xa thẳm cô không muốn người nghe “rợn tóc gáy” với không khí âm u, tiếc thương các anh hùng liệt sĩ mà thể hiện sự trịnh trọng, biết ơn và nhẹ nhõm để linh hồn họ nơi xa có thể cảm thấy được thảnh thơi. Ở Mẹ yêu con, các ca sĩ khác vẫn thường hát theo lối mềm mại, uyển chuyển như một lời ru của người mẹ hiền hậu, nhưng Đinh Trang tư duy ca khúc này rộng hơn, lớn hơn, không chỉ là tình mẫu tử mà là hình ảnh của người mẹ Tổ quốc. Cô không luyến láy một cách ủy mị mà hát mạnh mẽ, cứng cáp hơn, thể hiện tầm vóc lớn hơn, bao la và vững vàng hơn.
Trong album Hát đợi anh về, Đinh Trang đặc biệt thích ca khúc Người con gái sông La. Đây vốn là bản phối của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng mà Đinh Trang từng hát trực tiếp với dàn nhạc giao hưởng ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Bản phối rất hay đã khiến giọng hát của cô thăng hoa theo. Ca khúc này mọi người thường có xu hướng hát ngả theo phong cách dân gian, da diết, mênh mang, nhưng cao trào rực rỡ hào hùng của bản phối đã khiến Đinh Trang thay đổi cách hát để nó gần tới tính thính phòng hơn, trở nên hào sảng, mạnh mẽ, kiên cường. “Tôi bị cuốn theo bài hát, nó thực sự khiến tôi hát rất đã”, nữ ca sĩ nói.
Ca khúc được Đinh Trang chọn làm chủ đề album – Hát đợi anh về - là bài hát gắn với kỷ niệm của cô. Cô đã tập nó để đi thi Sao Mai và nó cũng là ca khúc khiến khán giả biết đến cô. Đây là bài hát rất khó với âm vực trải cực kỳ rộng, nhưng may mắn là nó lại vừa in với khoảng giọng của Đinh Trang, khiến cô vô cùng tự tin khi hát, không có một chút căng rướn nào cả.
Đặc biệt, trong album của mình, Đinh Trang xếp Áo mùa đông vào bonus track, bởi nó không có sự tương đồng với mạch chung của các bài hát khác. “Phần phối khí tác phẩm này khá độc đáo và bất ngờ, dù không bị sa đà vào sự kỳ khôi, làm quá, nhưng dường như nó không ăn nhập với không khí lạc quan đầy tích cực và tươi tắn của cả album. Tôi từng định bỏ nó ra, nhưng mà phần vì tiếc, phần vì yêu quá – yêu cái giai điệu trữ tình thủ thỉ, mềm mại và đầy lôi cuốn của nó nên đành giữ lại”, nữ ca sĩ nói.
Hát ca khúc Việt theo phong cách thính phòng khó hơn hát aria phương Tây
“Thách thức lớn nhất của tôi khi thực hiện album Hát đợi anh về là sử dụng kỹ thuật, hơi thở thính phòng với ca khúc cách mạng kinh điển Việt Nam”, ca sĩ Đinh Trang cho biết. Thanh sắc tiếng Việt vốn phong phú, đa dạng, phát âm khó hơn tiếng phương Tây rất nhiều. Hát làm sao để hơi thở phải chuẩn Opera phương Tây nhưng âm sắc phải đẹp, phải tròn vành rõ chữ của Việt Nam là một thách thức rất lớn. Nó đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật, đồng thời phải có sự nghiên cứu, tập luyện tỉ mỉ, kỹ lưỡng và cần thời gian để hoàn thiện giọng hát.
“Dù tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ, đã hoàn thiện cơ bản kỹ thuật thanh nhạc, có thể hát được nhiều thể loại, nhưng tôi vẫn thấy rằng hát ca khúc cách mạng Việt Nam theo phong cách thính phòng thực sự “khó nhằn”, khó hơn rất nhiều so với hát các aria phương Tây”, Đinh Trang nói. Mặt khác, để thực hiện một album phối khí phong cách giao hưởng trên nền nhạc beat chứ không phải bản thu được hát có chỉ huy với dàn nhạc giao hưởng “sống” cũng là một khó khăn lớn cho Đinh Trang. Bởi làm chủ mình khi hát live cùng dàn nhạc giao hưởng đã khó, nhưng còn khó hơn nữa là phải nắm bắt hòa quyện cùng bản phối có sẵn để đảm bảo được sự chính xác nhưng vẫn đầy cảm xúc.
Đinh Trang chia sẻ, cô đã nghiên cứu rất kỹ về phương pháp sư phạm của NSND Trung Kiên, sau đó cô được gặp nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La. Cảm mến sự đam mê của cô gái xứ Nghệ, nhà giáo Mộ La đã truyền lại quan điểm và phương pháp sư phạm trong hát cổ điển của mình. Đinh Trang nhận thấy rằng, kỹ thuật là cái để làm đẹp giọng hát, để nâng cao các giai điệu long lanh hơn và giúp ca sĩ truyền tải cảm xúc một cách tận sâu trái tim mình khi thể hiện ca khúc.
Đinh Trang cho biết thêm, nếu như những người thầy thanh nhạc đã dạy cô kỹ thuật, cách nhả chữ thì nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lại giúp cô hiểu phải làm thế nào để có thể tinh tế, tinh vi nhất khi hát. Theo vị nhạc sĩ phối khí hàng đầu Việt Nam hiện nay, để hát ca khúc thính phòng, giọng hát của ca sĩ phải như là một nhạc cụ, như tiếng violon hòa quyện, du dương vào dàn nhạc. “Trong quá trình thu âm, anh Trần Mạnh Hùng bắt tôi phải thu đi thu lại rất nhiều lần. Anh muốn tôi hát vừa đúng, vừa cảm xúc, lại vừa phải nghe được dàn nhạc đang chơi to nhỏ như thế nào để có thể hòa mình vào đấy. Đây là điều còn thiếu với nhiều ca sĩ dòng thính phòng – chúng tôi hát một cách hừng hực, có cảm xúc nhưng ít người có thể lắng nghe khí nhạc. Quả thực, làm việc với anh Hùng tôi… nát hết cả đầu, nhưng tôi lớn hơn nhiều, trưởng thành hơn trong cách hát”. Để rồi sau khi hoàn thành album Hát đợi anh về, vị nhạc sĩ nổi tiếng khó tính đã không tiếc lời khen ngợi Đinh Trang, khi cô đã biết hòa giọng của mình vào khí nhạc và sử dụng kỹ thuật opera mà người nghe không biết là cô đang dùng kỹ thuật.
Hạn chế tối đa sự can thiệp của công nghệ lên giọng hát
Để thực hiện album Hát đợi anh về, Đinh Trang cực kỳ kỹ lưỡng, cẩn trọng và tự mình đứng ra lên ý tưởng, biên tập. Cô đã cùng một người bạn cố vấn là Đông Nguyên nghe rất nhiều những ca sĩ đi trước như NSND Thanh Huyền, Lê Dung, Lan Anh, Anh Thơ… để từ đó tìm ra một phong cách riêng. Với mỗi ca khúc, cô đều phải tìm cách để hát khác, có sự sáng tạo mới mẻ phù hợp với giọng của mình.
Chọn được ca khúc rồi, Đinh Trang đã mất hơn 1 năm trời “quần quật” với nhạc sĩ, phòng thu mới hoàn thành đĩa nhạc mình tâm huyết. Điều may mắn của cô là đã gặp được những nhạc sĩ đầy tài năng và tâm huyết, đặc biệt là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người có chung tình yêu âm nhạc cổ điển và luôn có sự tìm tòi, nghiên cứu trong âm nhạc giao hưởng cổ điển về sự chuẩn mực của nó. Mặt khác, trong CD của Đinh Trang, anh vẫn dám “phá cách” và “làm mới” tác phẩm. Điều này được thể hiện rõ ở tác phẩm Bài ca thống nhất. Bản phối khí rõ ràng là phong cách giao hưởng, nhưng lại tiết tấu Mỹ Latinh và chuyển soạn khác biệt về nhịp phách, những nét giai điệu đảo phách mới mẻ. Đây là một thách thức rất lớn cho ca sĩ thể hiện, chính nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng nghĩ là Đinh Trang không dám hát. Nhưng cô không những hát mà còn rất thích thú với thử thách này, nhập cuộc mê say. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói anh bất ngờ khi Đinh Trang dám “thử” và nhanh nắm bắt được ý đồ của anh trong bản phối khí.
Đinh Trang đã gây ấn tượng khá tốt với công chúng khi tung MV "Bài ca hy vọng"
Ngoài những bài hát được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí với phong cách thính phòng, trong album Hát đợi anh về còn có sự tham gia của nhạc sĩ Cao Xuân Dũng, Phan Cường, Trần Đức Minh. Nếu như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và Trần Đức Minh mang chất giao hưởng đậm đặc thì 2 nhạc sĩ Cao Xuân Dũng và Phan Cường giúp Đinh Trang có một chút pha bán cổ điển thính phòng. Điều này tạo cho sản phẩm âm nhạc của Đinh Trang có được sự cân bằng, không một màu.
Đinh Trang cho biết, có những tác phẩm cô phải thu đến 4 lần. Có những bản mix đích thân Đinh Trang ngồi cùng với kỹ thuật, master, nghe từng nốt nhạc được xử lý. Cô yêu cầu phải giữ nguyên âm sắc giọng hát của mình. 10 năm học thanh nhạc nghiêm túc đã rèn giũa cho Đinh Trang được những âm sắc đẹp và cô không muốn có sự can thiệp của công nghệ. Cô muốn hạn chế tối đa sự trợ giúp của công nghệ để tiếng hát nghe được thật nhất, mộc nhất và có hồn nhất. Nữ ca sĩ ví von, nếu để máy móc can thiệp quá nhiều thì cũng tương tự như chụp ảnh lạm dụng photoshop, nó cho ra những sản phẩm đèm đẹp nhưng na ná nhau, không còn giữ được nét riêng sống động, chân thực của mình.
Sự cầu kỳ, khó tính của Đinh Trang khiến kỹ thuật viên âm thanh cũng phải... phát sợ. Có cậu kỹ thuật viên tuổi 9x nói, làm xong đĩa cho Đinh Trang cậu bị… tẩu hỏa nhập ma, phải về quê một tuần để an dưỡng, hồi phục sức. Căng thẳng là vậy, nhưng cả ê kíp đã được đền bù xứng đáng khi cho ra đời được sản phẩm âm nhạc như mong muốn.
Không mất niềm tin vào âm nhạc cổ điển
Có một thực tế dễ dàng nhận thấy là dòng nhạc thính phòng khá kén người nghe. Dù học hành, rèn luyện cực kỳ vất vả nhưng hầu hết ca sĩ theo dòng này đều không thể so sánh với các dòng nhạc khác cả về danh lẫn lợi. Nhưng Đinh Trang không vì thế mà mất đi niềm tin và niềm vui với nghề. Ngay từ khi bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cô đã chọn thính phòng gắn với sự nghiệp của mình và cho tới nay, sau 10 năm, cô vẫn luôn kiên định con đường đó.
Có lẽ không ít nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc cổ điển cảm thấy chạnh lòng khi dòng nhạc của mình không được công chúng đón nhận rộng rãi. Đinh Trang cũng từng hoang mang khi những nghệ sĩ lao động nghiêm túc, chân chính lại không được ghi nhận xứng đáng. Nhưng rồi cô lại rằng âm nhạc đích thực luôn được nhìn nhận đúng giá trị khi có những “fan ruột” đáng quý trọng: “Tôi rất bất ngờ khi biết các bạn trẻ trong nhiều trường đại học như Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia… có CLB nhạc cổ điển. Trong các buổi sinh hoạt, họ mở những âm thanh của chúng tôi để nghe, cảm nhận và bàn luận. Có những bạn phân tích giọng hát của tôi như một chuyên gia thanh nhạc, từ việc tôi sở hữu chất giọng sáng bừng, âm thanh lên cao lồng lộng như thế nào, rồi hơi thở của tôi sử dụng ra sao, cách tôi xử lý từng quãng giọng…”.
Đặc biệt, khi NSƯT Đăng Dương thực hiện liveshow Mặt trời của tôi vào cuối năm 2017 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Đinh Trang đã vỡ òa vì hạnh phúc. Thành công của đêm nhạc và sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng đã như một làn sóng khích lệ Đinh Trang, cho cô động lực để tiếp tục với âm nhạc thính phòng và thôi thúc cô bắt tay vào thực hiện album Hát đợi anh về.
Bằng sản phẩm âm nhạc cụ thể, được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, Đinh Trang hy vọng rằng mình sẽ góp được chút sức nhỏ bé vào việc tạo nên cộng đồng yêu âm nhạc cổ điển, để nhiều người hơn nữa hiểu rằng giá trị của nó rất đẹp đẽ. “Âm nhạc thính phòng giúp người ta có thẩm mỹ tốt hơn, từ cách nghe trong âm nhạc cho đến cách cảm nhận cuộc sống. Tôi không phải là người may mắn được tiếp xúc với thính phòng từ sớm. Trước đây tôi hát đủ thể loại, chủ yếu là dân ca, từ khi theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi mới thực sự được biết đến dòng nhạc này. Cũng từ đó tôi mới biết đến giá trị của nó, cảm nhận được nó mang lại cho mình hạnh phúc. Và tôi muốn trao hạnh phúc đó cho người khác”.
Tìm được hạnh phúc trong khó khăn
Tròn 10 năm ra Hà Nội học tập và lập nghiệp, nếu xét về vật chất thì Đinh Trang gần như chưa có gì trong tay, cô vẫn đang ở nhà thuê, đi lại bằng xe máy. Nhưng cô luôn cảm thấy vui vì được làm việc mình thích. Theo cô, tiền bạc không biết phải thế nào là đủ, điều cô cảm thấy cuộc sống ý nghĩa là mình được sống với đam mê và truyền được đam mê cho người khác. “Có lần tôi nhận được tin nhắn của một bác đã cao tuổi rằng sáng nào bác cũng nghe tôi hát để được tiếp thêm năng lượng. Hay có bạn sinh viên nghe tôi hát nhiều đến nỗi có thể bắt lỗi được cả những chi tiết nhỏ nhất trong từng hơi thở của tôi. Những điều ấy thật giản dị nhưng lại mang đến cho tôi niềm hạnh phúc”, nữ ca sĩ thổ lộ.
Tự bước đi trên đôi chân của mình, không dựa dẫm người khác, Đinh Trang biết con đường đi của mình không phải được rải thảm và bản thân cô cũng không thích được “dọn đường”. Từ nhỏ, ba của Đinh Trang đã dạy các con luôn phải sống đàng hoàng, tự trọng và cô luôn tâm niệm điều đó. Với Đinh Trang, khó khăn vất vả cũng là một may mắn, bởi chính trong những lúc khó khăn nhất cô càng nỗ lực bật lên mạnh mẽ, phát huy được khả năng thực sự của mình. Và cô được thăng hoa, được cảm nhận hạnh phúc, đạt được những giá trị mà không tiền bạc nào có thể mua nổi.
Sau MV Bài ca hy vọng và album Hát đợi anh về, ca sĩ Đinh Trang sẽ tiếp tục ra mắt MV Tình em. Dự kiến MV sẽ phát hành vào tháng 10/2019, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam và sinh nhật của nữ ca sĩ.