Đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động xét xử khi chất vấn
Chính trị - Ngày đăng : 08:01, 16/11/2017
Tại phiên chất vấn này, nhiều đại biểu Quốc hội đều mong muốn các tư lệnh ngành làm rõ, trả lời trực tiếp vào những câu hỏi mà cử tri mong muốn nhất. Đó là đưa ra những giải pháp, chương trình hành động để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong từng lĩnh vực với tinh thần trách nhiệm cao.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang)
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đánh giá: Chất vấn lần này UBTVQH đã chọn những thủ lĩnh đăng đàn những vấn đề rất thời sự mà cử tri cả nước rất quan tâm. Là đại biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, bà quan tâm đến vấn đề nông nghiệp vừa qua có những tồn tại cần giải pháp tháo gỡ và hướng phát triển trong thời gian tới.
Đó là vấn đề ứng dụng công nghệ cao, vừa qua Chính phủ cũng có chỉ đạo làm sao để tác động đến công nghệ cao, có gói tín dụng 100.000 tỷ cho vấn đề này. Nhưng vừa qua triển khai và Ngân hàng Nhà nước có báo cáo cho rằng triển khai chậm và rất nhiều vướng mắc, nên việc hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được là bao.
"Vì vậy, tôi muốn chất vấn NHNN và các Bộ ngành có liên quan làm thế nào để tìm ra nguyên nhân và hướng đi phù hợp và có những giải pháp đồng bộ sắp tới; để cho các DN tham gia ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhiều hơn, các chính sách cho nông dân, HTX ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới", đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nói.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP. HCM) quan tâm đến vấn đề thất thu thuế và nợ công. Qua báo cáo cho thấy, việc thất thu thuế là rất lớn, trong nhiệm vụ của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính cần tính toán để một mặt công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nhưng mặt khác phải tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp cho đất nước.
Về vấn đề nợ công, các số liệu cuối 2016 cho thấy nợ công chưa đụng trần, nhưng con số tuyệt đối là khá quan ngại. Nợ công tăng lên mà để cho đầu tư phát triển thì nhân dân sẽ ủng hộ, nhưng khả năng trả nợ thế nào mới là điều đáng bàn. Do vậy, Chính phủ phải có biện pháp phát triển kinh tế ổn định ngoài biện pháp phải tăng thuế, như vậy cử tri mới yên tâm.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội)
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho hay, chuẩn bị cho phiên chất vấn này, ông đã xác định thành các nhóm vấn đề, nhất là những nội dung cử tri quan tâm để chất vấn. Đó là làm thế nào để các đường lối, chủ trương của Đảng được triển khai và đi vào cuộc sống, như đổi mới thủ tục hành chính, cải cách hoạt động tư pháp, giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả…
Liên quan đến nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN, cử tri cũng đang rất quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết, chủ trương của Đảng trong phòng, chống tham nhũng và chính sách bảo đảm an ninh tiền tệ để phát triển ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là giải pháp sử dụng tài khoản ngân hàng thay thế chi tiêu tiền mặt như hiện nay, giúp Nhà nước kiểm soát thu nhập, đóng thuế và phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Về chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, các Bộ trưởng, ĐB cho biết cũng nhận được nhiều ý kiến cử tri, trong đó có ý kiến luật sư, mong muốn làm sao nâng cao năng lực của ngành, giúp việc xét xử bảo đảm khách quan, độc lập, đặc biệt là chống oan sai và không bỏ lọt tội phạm.
Các luật sư cũng phản ánh họ thực hiện việc bào chữa cho bị can, bị cáo trong giai đoạn tố tụng ban đầu rất khó khăn. Trong khi quy định bị can, bị cáo có quyền mời luật sư từ giai đoạn sớm. Những điều này cần được các tư lệnh ngành xem xét, giải quyết, để việc triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 tới đây được tốt hơn.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến hoạt động xét xử, chất lượng xét xử và khả năng thi hành bản án của Tòa án. Đây là những vấn đề không chỉ cử tri quan tâm mà còn là vấn đề chúng ta cần thực hiện tốt đã được quy định trong trong Hiến pháp năm 2013 để đảm bảo công bằng, quyền lợi của người dân - Tòa án là biểu tượng của công lý, công bằng.