Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã đồng tình và đánh giá cao những kết quả đạt được trong báo báo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trình bày trước Quốc hội sáng nay 6/11.
ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Các Tòa án đã rất chú trọng vấn đề tranh tụng
Qua Báo cáo công tác tư pháp của cơ quan tố tụng nói chung và của Chánh án TANDTC, phải khẳng định rằng so với năm trước, báo cáo năm nay thể hiện đầy đủ các mặt công tác của các ngành tư pháp. Đồng thời đã nêu ra những số liệu cũng như những mặt được, chưa được của công tác này thời gian qua. Trong đó, thể hiện nỗ lực lớn của các cơ quan trong công tác phòng chống tội phạm.
Điểm đáng chú ý là công tác tranh tụng được thực hiện triệt để trong quá trình xét xử của Tòa án. Từ kinh nghiệm người công tác lâu năm trong ngành Tòa án, vụ án xét xử Trương Hồ Nga vừa qua, là minh chứng rõ nét nhất cho báo cáo của Chánh án TANDTC khi nhận định về vấn đề này là, không hạn chế về thời gian để các bên đưa ra ý kiến của mình. Cử tri cũng rất đồng tình việc này.
ĐB Nguyễn Mai Bộ
Gần đây, tôi cũng đánh cũng đánh giá rất cao việc TAND cấp cao TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án VN Pharma, tại phiên toà đã thể hiện được quan điểm tranh tụng; đồng thời kết quả phiên tranh tụng cũng đã được công bố qua buổi họp báo. Kết quả rõ nét nhất là TAND cấp cao TP. Hồ Chí Minh cũng đã trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với vụ án này.
Trong Báo cáo thẩm tra của UBTP cũng có đưa ra nhận định rằng một số trường hơp Tòa tuyên án chưa tương xứng với hành vi phạm tội, một số trường hợp bỏ lọt tội phạm… Tôi cho rằng đánh giá này là đúng. Việc tuyên án không đúng tính chất hành vi phạm tội, do kết quả giám đốc thẩm của TANDTC đã chỉ ra đối với Tòa cấp dưới. TANDTC đã rất mạnh dạn khi đánh giá chất lượng về vấn đề này này và từ đó đưa ra những phương hướng trong thời gian tới. Được biết, Chánh án TANDTC cũng đã ban hành quy định rất chặt chẽ đối công tác này sẽ là không bổ nhiệm đối với Thẩm phán gây ra oan sai. Tôi cho rằng, đây là biện pháp thể hiện sự quyết tâm của Chánh án TANDTC vì một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, rất đáng ghi nhận.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Mong muốn cải cách tư pháp triệt để hơn
Tôi đồng tình với báo cáo của Chánh án TANDTC. Trong năm qua, chất lượng công tác xét xử được nâng lên rõ rệt, hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định. Các vụ án được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không để lọt tội pháp. Đặc biệt, TAND các cấp đã tăng cường tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Báo cáo thể hiện khá toàn diện hoạt động của Tòa án, phản ánh những chức năng nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, xét về yêu cầu cải cách tư pháp, tôi cho rằng chưa đạt được như Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đề ra. Đến nay, việc xác định được Tòa án có phải là trung tâm không, tranh tụng đã được đảm bảo tuyệt đối thì chưa đạt được. Tòa án chưa đạt được đến độ được xã hội coi là biểu tượng của công lý. Người dân vẫn còn băn khoăn với chất lượng xét xử của Tòa án, sự độc lập của Thẩm phán đã thực hiện được trên thực tế hay chưa? Hay nói đúng hơn Tòa án chưa thực sự tạo được chỗ dựa vững chắc, chưa thực sự trở thành trụ cột cho tất cả các cơ quan tư pháp và là biểu tượng công lý với mỗi người dân.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng
Để làm được điều đó, cần phải thể hiện đúng theo pháp luật. Đó là việc chúng ta phải khẳng định là “các Tòa án” chứ không phải “ngành Tòa án”, đó cũng là tinh thần của Hiến pháp. Thứ hai là, trong công tác cán bộ làm thế nào để cán bộ Thẩm phán phải đủ bản lĩnh đưa ra những phán quyết chứ không thể né tránh bằng việc “xin ý kiến” những vụ án phức tạp…Thứ ba là, trong công tác tổ chức cán bộ, Thẩm phán dường như đang e sợ và thiếu kiên quyết khi đưa ra phán quyết của mình trong những vụ án khó. Họ lo sợ sẽ phải hứng chịu “búa rìu” khi tái bổ nhiệm. Nên để an toàn, Thẩm phán thường chọn cách báo cáo xin ý kiến về chủ trương xét xử cho yên tâm. Chính vì vậy, khiến chúng ta đang vướng trong vòng luẩn quẩn để đạt đến đỉnh của sự độc lập. Nếu khắc phục được vấn đề này thì cải cách tư pháp sẽ được thực hiện triệt để.