Sẵn sàng cho Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 08:32, 28/11/2018

Chỉ còn 3 ngày nữa sẽ diễn ra Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, điện trang trí và tạo cảnh quan đẹp mắt vẫn đang gấp rút hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng cho kịp ngày khai mạc.

Festival văn hóa cồng chiêng được xem là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm ở Tây Nguyên. Lễ hội diễn ra từ ngày 29/11 – 2/12/2018, đến thời điểm hiện tại tất cả những công tác chuẩn bị cho Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được chỉ đạo cụ thể và cơ bản đã hoàn tất.

Theo báo cáo của Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, hiện tại, 11 hoạt động chính thuộc Festival cồng chiêng Tây Nguyên lần này gồm: Lễ hội đường phố; Ngày văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống các dân tộc như "Lễ cúng cây nêu cầu an của người Ê Đê", "Lễ cúng sức khỏe của người M’Nông", "Lễ cầu an của người Bahnar", “Lễ sạ lúa của người Chu Ru”, “Lễ mừng nhà rông mới của người Bahnar”; Trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; Diễn xướng sử thi, hát dân ca; Triển lãm ảnh về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được các sở, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, cơ bản hoàn tất theo đúng kế hoạch.

Sẵn sàng cho Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Các công tác chỉnh trang đô thị đang gấp rút hoàn thành cho kịp ngày khai mạc.

Theo đó, các hoạt động chính diễn ra từ ngày 29/11 đến 2/12 như sau: Chương trình khai mạc sẽ diễn ra từ 20h đến 22h ngày 30/11, lễ bế mạc diễn ra từ 19h30’ đến 21h ngày 2/12 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku). Lễ hội đường phố có sự tham gia của hơn 1.000 người thuộc 26 đoàn nghệ nhân đến từ 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng và 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai. Phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của các tỉnh tại 3 địa điểm: công viên Diên Hồng, công viên Đồng Xanh và sân nhà rông làng Ốp (TP. Pleiku).

Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” tại khách sạn Pleiku Palace, dự kiến có 140 đại biểu tham dự, 40 tác giả có tham luận, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, dân tộc học…; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, các sản phẩm tượng sau khi hoàn thành được ghi tên, tuổi, địa chỉ nghệ nhân lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Sinh hoạt văn nghệ dân gian (diễn xướng sử thi, hát dân ca) tại Bảo tàng tỉnh.

Triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”, triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của hoạ sĩ Xu Man tại đường Anh hùng Núp. Triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng tỉnh; công bố tour du lịch cộng đồng, tổ chức khảo sát du lịch và toạ đàm “Liên kết phát triển tour du lịch Gia Lai với các địa phương”; cà phê đường phố; ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền; giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Sẵn sàng cho Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Nhiều pano tuyên truyền được bố trí xung quanh quảng trường Đại Đoàn Kết, quảng bá về Festival, mảnh đất, con người và các sản vật của Gia Lai

Bên cạnh đó, công tác lễ tân, tuyên truyền, đảm bảo an ninh…các sở, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng chặt chém, niêm yết giá công khai các dịch vụ; tuyên truyền, vận động các hộ dân, hộ kinh doanh không được lợi dụng Festival để tăng giá, làm xấu đi hình ảnh của địa phương. Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã làm việc với Điện lực Pleiku và các đơn vị liên quan hoàn thành việc khảo sát, thống nhất các vị trí lắp đặt tủ cấp điện, máy phát điện dự phòng, hệ thống đèn chiếu sáng (nếu có sự cố) tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết để phục vụ cho các hoạt động tại Festival. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, cứu chữa người, đồng thời có xe cứu thương với đội ngũ y-bác sĩ, thuốc men đầy đủ để xử lý kịp thời những tình huống không may xảy ra trong và sau lễ hội.

Hướng dẫn du khách đến Gia Lai tham gia lễ hội được thuận tiện, Tỉnh Đoàn đã lựa chọn 150 tình nguyện viên trên tổng số 10 ngàn người đăng ký tham gia với các tiêu chí cụ thể về ngoại hình, kiến thức, đồng thời phối hợp Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tập huấn về cách hướng dẫn, tiếp đón để mang đến hình ảnh đẹp, thân thiện về Gia Lai; phối hợp với TP.Pleiku, Hội Doanh nhân trẻ vận động trên 800 nhà vệ sinh cộng đồng phục vụ lễ hội với khẩu hiệu “Thoải mái như ở nhà”, tuyên truyền về địa chỉ các nhà vệ sinh này trên mạng xã hội và website của Tỉnh Đoàn; tổ chức cho 400 tình nguyện viên thu dọn vệ sinh khu lâm viên Biển Hồ và một số danh thắng địa phương…

Thùy Dung