Đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá: Người trúng đấu giá có bị thiệt?

Đời sống - Ngày đăng : 14:26, 01/03/2018

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá được triển khai thì phải bổ sung các quy định để xác định biển số xe là tài sản.

Bộ Công an đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá trực tuyến. Theo đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C67 Bộ Công an), Bộ Công an đã trình Thủ tướng Đề án cấp biển số ôtô thông qua đấu giá. Đề án được Bộ Công an phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ xây dựng và lên kế hoạch lộ trình thực hiện.

Ban soạn thảo đề án, đề xuất chia thành 5 nhóm biển số để đưa ra đấu giá. Cụ thể: Nhóm thứ nhất gồm 5 chữ số giống nhau; Nhóm thứ hai gồm 4 chữ số cuối giống nhau; Nhóm thứ ba có 3 chữ số giống nhau; Nhóm thứ tư gồm số sau lớn hơn số trước; Nhóm thứ năm bao gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.

Đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá: Người trúng đấu giá có bị thiệt?

Mọi người dân đều có thể tham gia đấu giá biển số xe ô tô 

Lãnh đạo Cục C67 cho biết, để việc cấp quyền sử dụng biển số xe thông qua đấu giá đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng, tất cả kho số đưa ra đấu giá đều được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến.

Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến, góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tham gia. Người dân phải có một tài khoản, có phương tiện và có đầy đủ hồ sơ hợp lệ khi tham gia đấu giá. Số tiền thu được từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Sau khi đề án này được thông tin rộng rãi trên báo chí, theo ghi nhận của phóng viên, bên cạnh các ý kiến đồng tình thì vẫn còn một số ít người dân bày tỏ băn khoăn. Anh Nguyễn Văn Hải (Hà Nội), giám đốc một Công ty ở Hà Nội  cho biết: “Nếu bỏ ra một số tiền lớn để tham gia đấu giá biển số xe yêu thích mà chỉ sử dụng trong một khoảng một vài năm, sau đó không được chuyển sang cho chiếc xe mới mua tiếp theo, không được mang bán thì sẽ thiệt thòi cho người trúng giá. Bởi thực tế, do đặc thù công việc và nhu cầu của từng cá nhân, không ai muốn  sử dụng  một chiếc xe liên tục trong khoảng thời gian 5 -10 năm”.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Ths, Ls Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn LSTP Hà Nội) chia sẻ một số quan điểm dưới góc độ pháp lý.

Đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá: Người trúng đấu giá có bị thiệt?

Ths, Ls Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn LSTP Hà Nội) 

PV: Luật sư có đánh giá như thế nào về Đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá trực tuyến?

Ths, Ls Đặng Văn Cường: Thực ra đề án về cấp biển số xe ô tô thông qua bán đấu giá không phải là “sáng kiến” mới. Trước đây, một số địa phương đã tổ chức bán đấu giá biển số xe ô tô để lấy tiền hỗ trợ người nghèo, bổ sung nguồn thu cho địa phương… Tuy nhiên, do thiếu cơ sở pháp lý, bị người dân phản đối nên Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu dừng triển khai việc tổ chức bán đấu giá biển số xe ô tô tự phát này.

Nay, Bộ công an tiếp tục trình Thủ tướng về Đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá trực tuyến. Đề xuất này chắc chắn sẽ có nhiều người đồng tình, cũng có người không đồng tình, băn khoăn.

Tôi cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô, xe máy đẹp không chỉ xuất phát từ mục đích tăng thu ngân sách cho nhà nước mà do nhu cầu muốn sở hữu biển số đẹp của một bộ phận người có tiền, muốn sở hữu những số mình thích. Hơn nữa, đấu giá cũng là cơ sở để tăng tính minh bạch, tránh hiện tượng cò mồi, tiêu cực trong khâu cấp biển số.

PV: Theo đề án cấp biển số xe ô tô, người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp. Mỗi biển số chỉ được gắn với một phương tiện giao thông. Như vậy, người tham gia đấu giá có bị thiệt?

Ths, Ls Đặng Văn Cường: Rõ ràng là thiệt thòi thuộc về người trúng đấu giá. Người bỏ tiền ra mua biển số sẽ không được bán lại, không được chuyển sang xe khác, trong khi đó thường người ta chỉ sử dụng một chiếc xe ô tô vài ba năm… khi xe cũ hoặc không thích nữa thì người ta phải bán cả xe lẫn biển số, mà người mua sau này chưa chắc đã thích biển số đó.

Mặc dù, hoạt động này có thể mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, giảm bớt các tiêu cực, bất công bằng trong việc cấp biển số xe nhưng người mua biển số thông qua đấu giá sẽ không được đảm bảo quyền lợi cơ bản của một “chủ sở hữu tài sản” – biển số xe ô tô theo quy định pháp luật. Biển số xe này bản chất là mã số định danh của một chiếc xe, do đó không được phép giao dịch với người khác, không được chuyển sang chiếc xe mới của chủ sở hữu chiếc biển số đó.

PV: Có thể thấy rằng, việc đấu giá biển số xe ô tô sẽ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách và hạn chế tiêu cực trong việc người dân chi tiền để có biển số như mong muốn. Theo luật sư, để việc đấu giá biển số đẹp đảm bảo chặt chẽ, khả thi và đạt hiệu quả cao, cần thiết phải điều chỉnh hay bổ sung các quy định để xác định biển số xe là tài sản hay không?

Ths,Ls Đặng Văn Cường:  Đến nay đã có nhiều quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015, Luật đấu giá… nhưng vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định: Biển số xe là một “tài sản”, một loại “hàng hóa” và có thể lưu thông trên thị trường, tham gia vào các giao dịch.

Các chuyên gia pháp lý sẽ có những băn khoăn về cơ sở pháp lý để triển khai, về nguyên tắc thì chỉ có những gì là tài sản thì mới có thể mang đấu giá, mà đã là tài sản thì phải có đủ các quyền năng như quyền chiếm hữu,quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Trong khi đó, người trúng đấu giá (tài sản) là biển số xe ô tô chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (thường chỉ 5-10 năm), không được chuyển cho chiếc xe mua mới tiếp theo, không được mang bán, tham gia vào thị trường hàng hóa… như vậy sẽ thiệt thòi cho người dân khi trúng giá biển số xe ô tô đó.

Vì vậy, nếu đề án này được thông qua và triển khai thì phải bổ sung các quy định để xác định biển số xe là tài sản, chủ biển số xe này phải có các quyền năng cơ bản của một chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành: Quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản, tài sản đó phải được tham gia vào các giao dịch dân sự, có thể sinh lời và tiện sử dụng. Chứ không thể chỉ tính đến quyền lợi trước mắt của Nhà nước mà bỏ qua quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

PV: Xin cảm ơn Luật sư!

Cần bổ sung quy định để xác định biển số xe là tài sản

“Pháp luật hiện hành chưa quy định biển số là một loại tài sản. Nếu biển số được đấu giá, phải coi nó giống một tài sản và người sở hữu nó phải có các quyền theo BLDS như quyền sở hữu, định đoạt, thậm chí là quyền thế chấp. Đồng thời bổ sung các quy định giao dịch, thừa kế đối với biển số với tư cách là tài sản độc lập với phương tiện giao thông. Bởi giá trị của biển số có khi còn lớn hơn giá trị của phương tiện giao thông. Qua đó luật cần tạo cơ chế để chuyển giao quyền sở hữu, để lại thừa kế, thậm chí dùng biển số làm tài sản bảo đảm”.  Luật sư Đặng Văn Sơn (Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự, đoàn Luật sư TP Hà Nội).

 

 

Đỗ Việt